Chư Păh (Gia Lai): Chú trọng quản lý đất đai và bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 17:29, 04/08/2022

(TN&MT) - Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), công tác quản lý đất đai trên địa bàn được siết chặt, các hoạt động về bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật đất đai và chung tay bảo vệ môi trường cho người dân trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Chư Păh là một trong những địa phương đạt tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cao, đạt 98,94% so với diện tích đã đo đạc đủ điều kiện cấp Giấy. Ông Hoàng Anh Tuệ - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) huyện Chư Păh cho biết, để đạt được kết quả này ngoài nỗ lực khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị còn có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí từ UBND huyện Chư Păh.

94-1-.jpg

Tuyên truyền về bảo vệ môi trường bằng tờ gấp in 2 thứ tiếng Kinh - Jarai cho người đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chư Păh.

Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2019, UBND huyện Chư Păh đã cấp hơn 14 tỉ đồng để đo đạc và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ tập trung cho 11 dự án tại các xã, gồm: thị trấn Phú Hòa, thị trấn Ia Ly, xã Ia Mơ Nông, Chư Đăng Ya, Hoà Phú, Đak Tơ Ve, Hà Tây, Ia phí, Ia Nhin, Ia Khươl và Nghĩa Hòa. Nhờ đó, tỷ lệ cấp Giấy trên địa bàn huyện đạt cao và giúp người dân yên tâm hơn về tính pháp lý của thửa đất.

Bà Nguyễn Thị Hương (tổ 3, thị trấn Phú Hòa) cho hay: Gia đình tôi có 2 lô đất thuộc tổ 3, thị trấn Phú Hòa. Nhờ được cán bộ Phòng TN&MT và Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Chư Păh hướng dẫn, tôi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ rất thuận lợi. Từ đó đến nay, tôi đã sử dụng các Giấy chứng nhận này để vay vốn từ Ngân hàng, phục vụ sản xuất. Kinh tế gia đình nhờ đó được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn huyện Chư Păh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nay Kiên - Chủ tịch UBND huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), nhân lực của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Chư Păh còn ít, đa số là hợp đồng, trang thiết bị phục vụ cho việc đo đạc, cấp Giấy, truyền và xử lý dữ liệu thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, bản đồ địa chính biến động lớn giữa các năm dẫn đến việc đo chồng một số vị trí; tư liệu quá cũ, chưa được chỉnh lý cũng khiến cho việc cấp Giấy phức tạp, mất nhiều thời gian; một bộ phận người người dân chưa mặn mà với việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nên ảnh hưởng đến tỷ lệ cấp Giấy trên toàn huyện.

“Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của huyện Chư Păh, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, qua các phương tiện thông tin đại chúng, bằng các thứ tiếng và các hình thức phù hợp. Qua đó, giúp người dân nắm bắt được pháp luật đất đai, các văn bản, các quy định, các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất” - ông Nay Kiên cho hay.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huyện Chư Păh cũng luôn chú trọng công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND huyện Chư Păh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi…

94-2-.jpg

Theo ông Lê Xuân Dũng - Trưởng phòng TN&MT huyện Chư Păh, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 322 bể chứa bao, bì thuốc BVTV, tại địa bàn 8 xã, thị trấn. Phòng TN&MT đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định, đảm bảo môi trường. Trong năm 2022, huyện Chư Păh sẽ đặt thêm 120 bể chứa bao, gói thuốc BVTV tại 2 xã khác. Với mô hình thu gom bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng đã giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở khu dân cư so với trước kia.

Cùng với đó, các phòng, ban, Hội, Đoàn thể huyện Chư Păh cũng thường xuyên phối hợp, tổ chức các hoạt động, phong trào về bảo vệ môi trường: Ngày Chủ Nhật xanh; hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Tháng hành động vì môi trường… Nổi bật là công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, người dân thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; thu gom, phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình thông qua mạng xã hội zalo, facebook, với hơn 12.000 lượt người tham gia.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường đối với người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Păh đã in hơn 3.000 tờ gấp tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng (Jrai - Kinh) về “hạn chế sử dụng túi ni lông là bảo vệ môi trường” chuyển đến người dân tại các thôn, làng trên địa bàn; cắt, dán, phát 2.885 băng rôn, tờ rơi tuyên truyền; ra mắt 19 Câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông và rác thải nhựa để bảo vệ môi trường”, cấp phát trên 200 túi vải, 2.250 chai thủy tinh và trên 1.300 làn nhựa, sọt nhựa, gùi…

Ông Nay Kiên - Chủ tịch UBND huyện Chư Păh nhận định: Đến nay, công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện đã đi vào nền nếp, ổn định và ngày càng nâng cao năng lực quản lý. Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện đã ý thức hơn, quan tâm, đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường và chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

“Nhờ đó, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường ngày càng thu hút được nhiều người dân tham gia. Công tác bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực vào việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường khu vực nông thôn, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân ngày càng nâng cao; đường làng ngõ, xóm ngày càng xanh - sạch - đẹp”, ông Nay Kiên thông tin thêm.

Quế Mai