Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu: Đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:22, 04/08/2022

(TN&MT) - Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu đã và đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu. Hướng tới Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ TN&MT (05/08/2002 - 05/08/2022), PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu xung quanh nhiệm vụ này.

PV: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật mà Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu đã đạt được trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

84-1-.jpg

Ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu

Ông Nguyễn Bình Thuận: Trong thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền quản lý cảu tỉnh, như: Bảng giá đất; chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đồng thời, triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đồng bộ; quản lý, sử dụng đất đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu còn xây dựng và triển khai nhiều chương trình, phương án bảo vệ môi trường gắn với phương châm “thích ứng” và “sống chung”. Cụ thể, triển khai kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu trữ, trung chuyển chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; tăng cường công tác phòng, ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí thông qua chương trình quan trắc môi trường tỉnh hàng năm; quản lý chặt chẽ mọi nguồn chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, y tế; tổ chức thẩm định 117 báo cáo đánh giá tác động môi trường và 69 đề án bảo vệ môi trường chi tiết của các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đối với việc xử lý nước thải phát sinh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định; đồng thời, 100% nhà máy chế biến thủy sản nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải và vận hành xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu còn phối hợp tổ chức gần 340 lớp tập huấn triển khai các văn bản pháp luật về môi trường cho hàng ngàn lượt cán bộ phụ trách môi trường từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, chủ động sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn; khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất sản phẩm sinh thái và phát triển các loại hình tái chế, tái chế chất thải; phát động phong trào chống rác thải nhựa; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.

Để thực hiện có hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; đồng thời, đầu tư các lò đốt rác sinh hoạt bằng khí đốt tự nhiên tại một số huyện để xử lý rác thải phát sinh; hỗ trợ gần 1.500 thùng đựng rác, thùng ủ rác hữu cơ làm phân compost và bể thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu là một trong những địa phương thuộc vùng ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng từ BĐKH, nước biển dâng. Để chủ động ứng phó, Sở TN&MT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa phương về ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng dân cư về những tác động của BĐKH đối với đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; triển khai các giải pháp thích ứng để phòng chống hiệu quả với thiên tai, nhất là vùng ven biển; đồng thời, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế để triển khai các dự án ứng phó với BĐKH, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

84-2-.jpg

Các lực lượng và người dân địa phương cùng triển khai các hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường ở đô thị và nông thôn.

PV: Ngoài những kết quả đã đạt được, theo ông đâu là những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu?

Ông Nguyễn Bình Thuận: Khó khăn lớn nhất hiện nay là cán bộ môi trường cấp huyện, thị xã, thành phố chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; số lượng cán bộ chuyên trách môi trường ở các xã, phường, thị trấn còn thiếu, bố trí chưa đủ, từ đó ảnh hưởng đến kết quả trong công tác quản lý, giám sát môi trường ở địa phương; nước thải sinh hoạt đô thị chưa được thu gom, xử lý do tỉnh chưa đầu tư được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho TP. Bạc Liêu và các đô thị trên địa bàn tỉnh nên phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt; các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của người dân phát triển nhanh, trong khi đó hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước phục vụ cho vùng nuôi chưa được quy hoạch, xây dựng đồng bộ; năng lực dự báo, cảnh báo chất lượng nước mặt để phục vụ cho người dân chủ động lấy nước vào ao nuôi tôm còn thiếu và yếu.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển vẫn chủ yếu theo phương thức quản lý ngành mà chưa chú trọng đến quản lý theo phương thức tổng hợp do các công cụ quan trọng để triển khai thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển mới đang được xây dựng; tình trạng khai thác nước ngầm quá mức gây ra nhiều hệ lụy như: sụt lún, ô nhiễm tầng chứa nước… trên địa bàn tỉnh.

PV: Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bình Thuận: Trong thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH đảm bảo cả về số lượng và chất lượng; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách mới của Trung ương và của địa phương về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH; tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí thông qua chương trình quan trắc môi trường hàng năm.

Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án về tài nguyên nước như: Dự án khoanh định các vùng, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước và cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ chú trọng đầu tư xây dựng các công trình ứng phó với BĐKH; có chính sách ưu đãi sản xuất cũng như khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng các sản phẩm nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính ra môi trường; đẩy mạnh hợp tác, tài trợ quốc tế đa phương và song phương về xây dựng mô hình phát triển xanh, mô hình sinh thái, phát triển nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH , Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu kiến nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục quan tâm lồng ghép yếu tố bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, khai thác tài nguyên vào trong các quy hoạch và xây dựng chính sách để có giải pháp chủ động hơn trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị các bộ, ngành chức năng xem xét có chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư về vốn đối với các tổ chức, cá nhân tham gia công tác thu gom, xử lý rác thải và hạn chế sử dụng nhiêu liệu hóa thạch; thu hút các nguồn vốn trong nước và quốc tế hỗ trợ cho các địa phương trong đó có tỉnh Bạc Liêu để triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng (thực hiện)