Ngành TN&MT Thanh Hóa: Một trong những trụ cột phát triển

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:18, 04/08/2022

(TN&MT) - Với vai trò, tiềm năng, lợi thế cũng như những thành tích đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT), những năm qua, Sở TN&MT Thanh Hóa không ngừng nỗ lực, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của toàn ngành để lĩnh vực TN&MT thực sự là một trong những trụ cột của sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên

Nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực thuộc ngành TN&MT như: đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu (BĐKH), môi trường, địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo... Với sự quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, giải phóng các nguồn lực tài nguyên cho phát triển đất nước, Sở luôn phát huy hiệu quả trong việc quản lý Nhà nước về TN&MT.

82-1-.jpg

Theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện nay UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp: 558 giấy phép khai thác; 292 giấy phép thăm dò; đóng cửa: 163 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó, Giấy phép khai thác khoáng sản còn hạn là 320; cấp phép thăm dò, thăm dò mở rộng, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 107 mỏ.

Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản được quan tâm, thực hiện theo quy định; 100% cơ sở đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT chi tiết hoặc kế hoạch BVMT được phê duyệt và xác nhận. Hằng năm, các cơ sở đều thực hiện giám sát môi trường định kỳ; trên 80% cơ sở có hợp đồng thu gom, xử lý chất thải nguy hại với đơn vị có chức năng xử lý. Các cơ sở khai thác, chế biến đá có công suất lớn đã đầu tư lắp đặt các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm bụi, đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động và có phương án thu gom, phân loại, lưu giữ và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ vận chuyển đi xử lý đối với chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại.

Thanh Hóa triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý nguồn tài nguyên. Phối hợp triển khai thực hiện tốt tiêu chí 17 về BVMT trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác truyền thông và tuyên truyền, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực TN&MT. Tập trung thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Nâng cao tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đất lâm nghiệp; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Tổ chức kiểm tra và trình Hội đồng định giá đất tỉnh thẩm định phương án giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các công trình, dự án.

Theo đó, tại huyện Triệu Sơn, đã hoàn thành lập kế hoạch sử dụng đất năm 2022, trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 9 phương án tại 8 xã, thị trấn, với tổng diện tích 3,35ha, tổng số tiền sử dụng đất trúng đấu giá trên 127 tỷ đồng; trong đó: tổng diện tích đất đấu giá theo kế hoạch năm 2022 là 3,25ha, bằng 14,6% kế hoạch tỉnh giao. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, cấp được 3.179 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) (trong đó: cấp mới: 1.120 giấy, gồm: 126 GCN đất ở cũ cấp theo kế hoạch năm 2022 (kế hoạch: 845 giấy), 994 GCN đất ở cấp cho người trúng đấu giá); xây dựng phương án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

Đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, UBND huyện Thạch Thành đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo các phòng, ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh cát, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, ngăn chặn kịp thời những trường hợp khai thác khoáng sản trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Trong năm, đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tổng số tiền xử phạt vi phạm và khắc phục hậu quả 123.209.000 đồng. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã thẩm định và cấp lại được cho 23/23 xã, thị trấn với 22.697/24.872 giấy thực tế cần phải cấp lại, đạt 91,3% số giấy cần cấp, diện tích đã cấp 6.235,6/7.043,85ha, đạt 88,5 % diện tích cần phải cấp.

Quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản

Về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được, UBND huyện Yên Định quản lý chặt chẽ theo quy định, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội của huyện và các xã, thị trấn thực hiện tương đối tốt trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép khai thác, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tàu thuyền hút trộm cát trên sông Mã. UBND huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra về hoạt động khai thác khoáng sản đối với 31 doanh nghiệp hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại các xã, thị trấn gồm: Thị trấn Yên Lâm, thị trấn Quý Lộc và xã Định Tăng.

82-2-.jpg

Sở TN&MT hằng năm tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến địa phương để thực hiện các biện pháp quản lý về tài nguyên khoáng sản, môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn; giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, từng đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo phân công, phân cấp nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

Trên địa bàn thị xã Nghi Sơn hiện có 32 mỏ đã được cấp giấy phép, trong đó: có 23 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 8 mỏ đất san lấp (trong đó có 6 mỏ đã hết hạn khai thác, 2 mỏ còn hạn khai thác); 1 mỏ cát nhiễm mặn. Tổng số thu từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn (chỉ tính các đơn vị kê khai nộp tại Chi cục Thuế thị xã Nghi Sơn, không tính các đơn vị kê khai nộp tại Cục thuế tỉnh và các Chi cục khác) gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, phí BVMT và các khoản thu khác của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải nộp là 129,559 tỷ đồng.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra các hoạt động khai thác, tập kết và kinh doanh khoáng sản; việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường, an toàn lao động và an ninh trật tự…nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác, tập kết, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép; chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT Thanh Hóa, trong thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ TN&MT. Đẩy nhanh công tác kiểm kê đất đai, chấn chỉnh các hoạt động khai thác trái phép khoáng sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc chấp hành các quy định về xả thải vào nguồn nước ra các sông Mã, sông Chu và ra biển... Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật về môi trường, đất đai trên địa bàn. Thực hiện việc xử lý chống sạt lở bờ, bãi sông đối với các khu vực đang có diễn biến sạt lở; rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời và đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Lê Thu Thủy