Lan tỏa thành công Phong trào chống rác thải nhựa

Môi trường - Ngày đăng : 15:28, 04/08/2022

(TN&MT) - Việt Nam là một trong số các quốc qua có lượng rác thải và chất xả thải ra biển nhiều nhất trên thế giới. Trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni lông.

Việc xã hội lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người. Do đó, tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã phát động “Phong trào chống rác thải nhựa”, kêu gọi người dân: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”.

Các bộ, ngành chung sức, đồng lòng

Hưởng ứng lời kêu gọi này, 3 năm qua, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Tại Chỉ thị số 08/CT-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải có trách nhiệm phổ biến thông tin, vận động cán bộ, công chức - viên chức - người lao động (CCVCNLĐ) tham gia hưởng ứng Phong trào, triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải trong đơn vị. Đồng thời, triển khai đề tài, nhiệm vụ về điều tra đánh giá hiện trạng sử dụng phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, trung tâm thương mại trên cả nước; xây dựng và thực hiện thí điểm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng hóa xanh, thương mại xanh.

untitled(1).jpg

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tại Lễ phát động Phong trào Chống rác thải nhựa hưởng ứng chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2018 - một trong những hoạt động khởi đầu phong trào Chống rác thải nhựa hiện nay.

Bộ Y tế tổ chức ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa trong từng cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn, từ sinh hoạt thường ngày của người bệnh…; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế không sử dụng túi ni lông khó phân hủy; 100% cơ sở y tế có áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa thêm các tiêu chí về hạn chế, sử dụng túi ni lông, đồ nhựa một lần vào xét tặng Gia đình văn hóa… Tại khu di tích, khu du lịch, treo bảng tuyên truyền về giảm thiểu sử dụng túi ni lông, đồ nhựa khi tham quan; thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức các đơn vị kinh doanh, ký văn bản cam kết thực hiện; tổ chức các cuộc thi “Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn” trong chuỗi sự kiện Ngày hè của em; chỉ đạo sản xuất nhiều chương trình về bảo vệ môi trường biển đảo, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường du lịch trên sóng VTV.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin truyền thông…. cũng tuyên truyền, vận động, khuyến khích cơ quan, đơn vị không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo; hỗ trợ cấp phát thùng rác để tổ chức phân loại rác thải nhựa tái chế ngay tại đơn vị…

Đi tiên phong các hoạt động của Phong trào Chống rác thải nhựa phải kể đến Bộ TN&MT. Không chỉ yêu cầu các đơn vị, cán bộ, CC - VC - NLĐ hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa một lần, sử dụng thay thế bằng bình đựng thủy tinh và chai nước lon nhôm có thể tuần hoàn, tái chế cao, Bộ TB&MT còn phát động các hoạt động thi đua, mô hình văn phòng xanh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tham mưu với lãnh đạo Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; thành lập tổ công tác thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa theo mô hình hợp tác công tư; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam…

Lan tỏa các mô hình

Cùng với các bộ, ngành, tại các địa phương cũng đã đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm rác thải nhựa; tổ chức tuyên truyền tác hại của rác thải nhựa… Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng mô hình “Khu dân cư hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần”, thành lập các tổ tự quản ở các khu dân cư; tổ chức các hoạt động hỗ trợ tuyên truyền người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Tỉnh Nam Định, phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại Khu dự trữ sinh quyền sông Hồng. Tỉnh Thanh Hóa, xây dựng 2 mô hình điểm về thu gom rác thải nhựa và đổi lấy đồ dùng thân thiện môi trường tại xã Thọ Lộc, Thọ Xuân và xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn. Đoàn Thanh niên huyện Hậu Lộc đã triển khai mô hình “Ngôi nhà thu gom rác thải” phát động tới các em học sinh trên địa bàn.

lagom-tham-gia-cac-chuong-trinh-ve-moi-truong.jpg
Một chương trình thu gom vỏ hộp sữa hưởng ứng Phong trào Chống rác thải nhựa

Có rất nhiều mô hình thiết thực đã được nhân rộng, như mô hình “Tổ Phụ nữ xách làn đi chợ” và “Chợ dân sinh giảm thiểu tác thải nhựa” của tỉnh Vĩnh Phúc, Mô hình "Biến rác thải thành thẻ bảo hiểm", "Biến phế liệu thành khu vui chơi cho trẻ em", "Thu gom phế liệu tặng làn đi chợ", "Túi rác tiết kiệm", "Túi rác hỗ trợ phụ nữ nghèo" của tỉnh Nghệ An...

Một số địa phương như Bến Tre, Hà Giang, Gia Lai đã thành lập và duy trì 145 mô hình CLB do Hội Phụ nữ tỉnh và các cơ quan chuyên môn thực hiện Phong trào Chống rác thải nhựa, in cấp phát túi xách cho các hội trưởng phụ nữ để đưa tới các câu lạc bộ, hội viên của tỉnh; tổ chức các buổi tọa đàm, các lớp tập huấn giúp tiểu thương trong các chợ, các cơ sở kinh doanh và người dân nâng cao nhận thức; hướng dẫn thu gom phân loại và xử lý rác thải nhựa, rác thải từ các chợ, cơ sở kinh doanh và hộ gia đình.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động và triển khai thí điểm 2 mô hình "Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa" tại chợ Lớn, TP. Bắc Ninh và mô hình "Chung cư hạn chế rác thải nhựa" tại chung cư Cát Tường, TP Bắc Ninh. Cùng với đó, tại nhiều địa phương trên cả nước, Đoàn Thanh niên cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền Vì một Việt Nam xanh, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa cho thanh thiếu niên; triển khai chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, tổ chức Cuộc thi "Hành trình thứ 2 của lốp xe" nhằm phát huy tinh thần tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong việc tái chế, tái sử dụng lốp xe và các nguyên vật liệu, xây dựng hàng trăm sân chơi cho các em thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn…

Doanh nghiệp tiên phong đồng hành

Điều đáng nói là phong trào Chống rác thải nhựa đã tạo được sợi dây liên kết giữa các doanh nghiệp có sự cạnh tranh trên thị trường, thậm chí là đối thủ của nhau cùng ngồi lại hợp tác, nỗ lực vì mục tiêu chung là cải thiện môi trường Việt Nam. Các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với cùng chung mong muốn góp phần vì Việt Nam xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập.

event-moi-truong-5.jpg
Phong trào Chống rác thải nhựa được các tổ chức tại các trường học

EPMA là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện, hoạt động không vụ lợi của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, sinh học, tái tạo, tái chế thân thiện, không gây ảnh hưởng tới môi trường. Với định hướng phát triển Hiệp hội gắn liền với phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học - sản xuất bền vững, và hoạt động thương mại hóa các sản phẩm thân thiện, không ảnh hưởng tới môi trường, Hiệp hội kỳ vọng sẽ trở thành nơi tập trung của giới trí thức khoa học công nghệ, cùng chung tay bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời sẽ trở thành tổ chức thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng xanh, sản xuất xanh và góp phần nâng cao nhận thức xã hội trong các vấn đề bảo vệ môi trường.

Song song với đó, các nhà bán lẻ và siêu thị cũng đã nỗ lực để giảm thiểu túi ni lông và nhựa dùng 1 lần. Tính đến cuối năm 2021, đã có 16 nhà bán lẻ đăng ký tham gia Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni lông. Chỉ tính riêng TP. Hà Nội đã có 140/170 siêu thị không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng túi tự hủy sinh học, túi môi trường sử dụng nhiều lần phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã áp dụng các chương trình khuyến mãi tặng quà đối với các khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần nhằm khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi ni lông trong khi đi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Một số đơn vị sản xuất đã sở hữu công nghệ và từng bước chuyển đổi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường từ nhựa phế thải hoặc các sản phẩm có khả năng tự hủy sinh học như Tập đoàn An Phát Holdings với nhãn hàng AnEco. Sản phẩm của các đơn vị đã được các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn đặt hàng đưa vào sử dụng. Có thể khẳng định, sau 3 năm lan tỏa, phong trào chống rác thải nhựa đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét từ “nhận thức” sang “hành động” trong giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần và tăng cường tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa.

Với sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, chắc chắn phong trào chống rác thải nhựa sẽ thành công và đạt được mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương: Đến năm 2030 sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương;

100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông TN&MT