Từng bước nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:17, 04/08/2022
Thanh tra Bộ TN&MT được thành lập trên cơ sở Quyết định số 61/2002/QĐ-BTNMT ngày 25/12/2002 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ TN&MT. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức, bộ máy cũng như nhân sự làm công tác thanh tra ngày càng được củng cố, kiện toàn.
Hiện, theo Quyết định số 1666/QĐ-BTNMT ngày 10/7/2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ, Thanh tra Bộ là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện chức năng thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thực hiện thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND cấp tỉnh đối với các lĩnh vực quản lý của Bộ; tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng. Thanh tra Bộ hiện có 7 phòng chuyên môn; 60 công chức.
Từ việc chỉ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai (từ 2002 đến 2004 và những năm trước đây của Tổng cục Địa chính) đã chuyển dần sang vừa làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa làm công tác thanh tra, kiểm tra (từ năm 2004 đến năm 2008). Từ việc chỉ làm công tác thanh tra đất đai (năm 2004) đã bắt đầu thanh tra hành chính nội bộ và thanh tra chuyên ngành trên 3 lĩnh vực: đất đai, môi trường, khoáng sản (năm 2005 và năm 2006). Đến nay, đã tiến hành thanh tra trên tất cả các lĩnh vực của Bộ phụ trách: đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, biển và hải đảo.
Chất lượng các cuộc thanh tra đã được nâng lên đáng kể, thời gian tiến hành các cuộc thanh tra và tiến độ ban hành kết luận đã được rút ngắn. Thanh tra Bộ đã chủ động nghiên cứu, tham mưu Bộ đổi mới toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra từ công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chú trọng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, lựa chọn vấn đề thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; các cuộc thanh tra chuyển từ nhỏ lẻ sang các cuộc thanh tra diện rộng và chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực có sự tham gia phối hợp giữa Bộ với các bộ ngành Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các Tổng cục và Cục thuộc Bộ, các ban, ngành của địa phương. Đồng thời, định hướng cho các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về TN&MT.
Từ năm 2002 đến nay, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện 1.869 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 17.605 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6.303 tổ chức với tổng số tiền là 436,24 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước trên 135,912 tỷ đồng, buộc bồi thường cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Qua đó, đã từng bước hạn chế được sự chồng chéo các đoàn thanh tra, kiểm tra và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thống nhất trong toàn ngành. Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới theo hướng tổ chức các cuộc thanh tra theo chuyên đề trên nhiều địa phương và kết hợp nhiều lĩnh vực, tập trung vào các nội dung “nóng” như thanh tra đối với các dự án thủy điện, các khu công nghiệp, đất nông lâm trường, các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản, thanh tra xả thải, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)…, tạo được ấn tượng tốt trong xã hội. Hằng năm, Thanh tra Bộ đều tham mưu, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và thanh tra các Sở TN&MT.
Ngoài công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ giao (ưu tiên hàng đầu), Thanh tra Bộ còn tập trung lực lượng cho công tác tiếp dân và xử lý đơn thư. Có những năm tiếp nhận trên một vạn đơn và tiếp hàng trăm đoàn khiếu nại đông người. Công tác giải quyết khiếu nại đã được Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và không để đơn thư tồn đọng.
Cụ thể, công tác tiếp công dân trong toàn ngành đã thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật; Lãnh đạo Bộ đã định kỳ và đột xuất tiếp công dân theo đúng quy định. Đã tổ chức tiếp 20.193 lượt công dân, trong đó có 1.079 lượt đoàn đông người. Nội dung khiếu nại công dân đến trình bày chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất; cấp, thu hồi GCNQSDĐ; tố cáo sai phạm trong lĩnh vực TN&MT.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ đã tiếp nhận 109.993 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Bộ. Trên cơ sở phân loại đơn thư, đối với những đơn thư thuộc thẩm quyền, Thanh tra Bộ đã tham mưu cho Bộ trưởng thành lập các đoàn công tác thẩm tra, xác minh; đối với những đơn thư không thuộc thẩm quyền, Thanh tra Bộ đã chuyển đơn đến các cơ quan chức năng để giải quyết. Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng thực hiện tốt những nhiệm vụ, vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao, không để tồn đọng, kéo dài.
Về tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về TN&MT qua đường dây nóng, bắt đầu từ năm 2017, Bộ đã lập 3 đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân và doanh nghiệp, từ đó đến nay đã tiếp nhận 8.303 thông tin của người dân và doanh nghiệp phản ánh về khó khăn, vướng mắc và tình trạng vi phạm pháp luật về TN&MT trên toàn quốc. Đã hướng dẫn trực tiếp 3.321 thông tin, còn lại 4.982 thông tin đủ điều kiện xử lý, Bộ đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Bộ TN&MT và đã nhận được phản hồi kết quả xử lý của địa phương đối với 1.264 thông tin.