Hợp tác Quốc tế ngành TN&MT: Góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm, vị thế của Việt Nam

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:04, 04/08/2022

(TN&MT) - Sau 20 năm thành lập và phát triển, Bộ TN&MT đã giành được những thành tựu quan trọng, góp phần vào sự thành công chung của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Với vai trò hợp tác quốc tế, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương, tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác song phương về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH)… từ đó khẳng định, nâng cao vai trò, trách nhiệm, vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và khu vực.

Tại Đại hội lần thứ XIII (năm 2021), Đảng ta nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Có thể thấy rằng, hội nhập quốc tế nói chung đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo, định hướng chiến lược và chính sách. Theo xu thế của thế giới và bối cảnh trong nước, hội nhập quốc tế ngành TN&MT cũng ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh, và đã đạt được một số thành tựu nhất định cùng với tiến trình phát triển chung của đất nước.

t32.jpeg

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu quan trọng trong Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ COP25 diễn ra tại Thủ đô Madrid - Tây Ban Nha năm 2019.

Thực hiện chủ trương chung về chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, từ những ngày đầu xây dựng và phát triển đến nay, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ TN&MT, công tác hội nhập và hợp tác quốc tế (HTQT) của Bộ đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều chuyển biến tích cực và được thực hiện theo các định hướng chính sau: Đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước (QLNN) của Bộ; thúc đẩy vai trò, tiếng nói và sự hiện diện của Việt Nam trên các diễn đàn và trong các khuôn khổ HTQT về TN&MT; tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác song phương, đa phương và các định chế quốc tế thông qua nhiều cơ chế và giải pháp linh hoạt nhằm tăng cường năng lực QLNN của ngành TN&MT ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Đặt nền móng cho sự phát triển

Ngay từ những ngày đầu thành lập, trong bối cảnh nhiều diễn biến phức tạp khó lường của tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới, ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu gây thiệt hại khá nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT, công tác ngoại giao, hội nhập và HTQT ngày càng kiện toàn và phát triển.

Trên cơ sở kế thừa công tác HTQT từ các đơn vị có bề dày lịch sử như Địa chất và Khoáng sản, Quản lý đất đai, Khí tượng thủy văn, thời gian đầu công tác HTQT tập trung vào việc trao đổi với các chuyên gia nước ngoài để tăng cường năng lực, điều tra đánh giá tài nguyên, từng bước xây dựng thể chế chính sách. Kết quả công tác HTQT ở hai nhiệm kỳ đầu là Bộ đã xây dựng và được thông qua Luật Đất đai năm 2003; Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Luật Khoáng sản; Luật Đa dạng sinh học; Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật Khí tượng thủy văn; Luật Tài nguyên và môi trường biển được triển khai xây dựng… những thành công trong việc xây dựng chính sách này có công đóng góp rất lớn của các chuyên gia, đối tác nước ngoài mà trong đó vai trò của HTQT là không thể phủ nhận.

Trước đây, khi nước ta chưa trở thành nước có thu nhập trung bình, thì các hoạt động HTQT chủ yếu là tiếp nhận các nguồn viện trợ. Tuy nhiên, sau những năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước phát triển, công tác ngoại giao hợp tác chuyển sang công tác hợp tác song phương, đa phương… Công tác ngoại giao về khí hậu, môi trường, tài nguyên nước ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước, lãnh đạo Bộ.

Từ nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIII (8/2011 - 8/2016), công tác HTQT song phương, đa phương; hội nhập kinh tế trong các lĩnh vực của ngành TN&MT được mở rộng, đẩy mạnh.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, công tác quản lý tài nguyên và BVMT ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư cho các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH, BVMT và quản lý đất đai.

t32a.jpeg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tham dự COP25

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã tiếp nhận, phê duyệt 53 dự án viện trợ với tổng vốn đã cam kết của các nhà tài trợ khoảng 152,76 triệu đô-la Mỹ. Các dự án viện trợ đã góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý Nhà nước về TN&MT trong điều kiện đầu tư từ nguồn vốn trong nước còn hạn chế. Phương thức thu hút nguồn vốn ODA đang dần chuyển từ cách tiếp cận theo dự án sang tiếp cận theo chương trình, giúp cho công tác quản lý và giải quyết vấn đề toàn diện và bài bản hơn, hài hòa giữa nhu cầu hỗ trợ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ và ưu tiên của nhà tài trợ.

Thời gian này, Bộ tiếp tục triển khai thực hiện tốt 5 điều ước quốc tế song phương; 30 điều ước quốc tế đa phương; 18 thỏa thuận quốc tế do Bộ là cơ quan chủ trì thực hiện và nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương khác do các đơn vị trực thuộc Bộ ký kết.

Về hội nhập quốc tế, Bộ TN&MT luôn thực hiện tốt nghĩa vụ và nhiệm vụ của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực mà Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối. Bộ đã chủ trì tổ chức thành công Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 (năm 2015), là sự kiện quốc tế hàng đầu về phát triển bền vững và quản lý các khu vực vùng bờ, đại dương. Bộ cũng đã tích cực tham gia đối thoại và đàm phán về môi trường và BĐKH, đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nâng cao vị thế của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế

Đến nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV (8/2016 - 8/2021) và đầu khóa XV tới nay, Bộ đã tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương, tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác song phương về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH.

Công tác HTQT của Bộ đã đóng góp nhiều sáng kiến quy mô toàn cầu, khu vực liên quan đến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó BĐKH, phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước thông qua các cơ chế hợp tác G7, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và các sáng kiến Tiểu vùng khác; tổ chức thành công Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6, Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với BĐKH”; tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tham dự, đưa ra các cam kết quan trọng với cộng đồng quốc tế COP21 tại Paris, COP26 tại Glasgow. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tín nhiệm bầu Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Châu Á khu vực 2… Qua đó khẳng định, nâng cao vai trò, trách nhiệm, vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và khu vực.

Bộ TN&MT luôn thực hiện tốt nghĩa vụ và nhiệm vụ của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực mà Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối. Bộ đã chủ trì tổ chức thành công Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 (năm 2015), là sự kiện quốc tế hàng đầu về phát triển bền vững và quản lý các khu vực vùng bờ, đại dương. Bộ cũng đã tích cực tham gia đối thoại và đàm phán về môi trường và BĐKH, đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA)

Từ những kết quả, thành tựu đã đạt được và các khó khăn thách thức đang phải đối mặt, ngành TN&MT nói chung và công tác HTQT đã và đang từng bước không ngừng hoàn thiện để nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, khẳng định vai trò, vị thế của lĩnh vực quản lý quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người dân trong xã hội, góp phần ổn định kinh tế chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.

Khương Trung