Nậm Pồ (Điện Biên): Chủ động phòng chống thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:35, 04/08/2022

(TN&MT) - Những năm qua, tại một số địa phương vùng cao của tỉnh Điện Biên phải gánh chịu hậu quả nặng nề về người và tài sản, bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Lũ lụt, sạt lở đất… Trước tình hình đó, tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các lực lượng, trong đó chú trọng phát huy lực lượng chủ lực trong phòng chống thiên tai (PCTT).

Là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, huyện Nậm Pồ có địa hình chủ yếu là đồi núi độ dốc lớn, sông suối bị chia cắt nên khi bước vào mùa mưa, huyện phải đối diện với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, giông lốc…Để chủ động ứng phó với thiên tai, lũ lụt trong mùa mưa bằng nhiều giải pháp đồng bộ, với phương châm “chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) huyện Nậm Pồ đã ban hành các văn bản cảnh báo mưa lũ, lốc xoáy, sạt lở đất... Chỉ đạo trực tiếp các xã theo dõi và sẵn sàng huy động phương tiện, lực lượng thường trực để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

102.jpg

Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện kiểm tra thực tế vết nứt ở bản Huổi Đắp, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ.

Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Trong tháng 6 trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã xảy ra 5 đợt thiên tai (lũ, lũ quét, sạt lở, sụt lún đất....), trong đó 13 nhà ảnh hưởng bị thiệt hại do sạt lở, sụt lún đất. Về giao thông có 10 tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã và từ trung tâm các xã đi các bản thuộc huyện bị sạt lở. Ngầm tràn Nà Khoa, xã Nà Khoa đã bị nước lũ dâng cao, cuốn trôi, dòng nước chảy xiết, người và phương tiên không đi qua lại được, làm cô lập các xã Nà Khoa, Nậm Nhừ và Na Cô Sa…

Bước vào mùa mưa lũ, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Nhiều hộ dân sống tập trung ở gần suối và sườn đồi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa lớn. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư, các hoạt động ven sông suối, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Chủ động phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn phù hợp với tình hình cụ thể. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

109-1-.jpg

Ngầm tràn xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ bị cuốn trôi.

Ngoài ra, huyện Nậm Pồ cũng đã chủ động xây dựng các phương án đảm bảo giao thông trên cơ sở đánh giá hiện trạng, dự báo những tuyến đường có khả năng xảy ra sạt lở để triển khai tới các phòng, ban và UBND các xã. Các tuyến đường huyết mạch, các phòng, ban chuyên môn phối hợp với thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện, các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra. Huyện đã chủ động, tích cực phát huy vai trò của các tổ xung kích cấp xã, thôn, bản. Theo đó, các tổ xung kích này thường xuyên duy trì quân số, bảo đảm tham gia ứng trực theo quy định; nhằm ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra....

Với những nỗ lực và sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của chính quyền địa phương, đã góp phần quan trọng vào việc hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản, tạo sự yên tâm cho người dân trên địa bàn huyện khi mưa bão xảy ra.

Hoàng Châu