Tình cây và đất ở Trường Sa
Môi trường - Ngày đăng : 13:48, 04/08/2022
Nâng niu từng mầm xanh
Trong mùa hè đầu tiên khởi động chương trình “Trường Sa xanh” vào năm 2018, có khoảng 5.000 cây xanh gồm: phi lao, bạch đàn, keo, dừa… Ngoài cây cho bóng mát, Câu lạc bộ (CLB) còn vận động các địa phương tặng cây cảnh, cây gia vị, như: hoa giấy, lá giang, sấu… Gắn bó với biển đảo trong vai trò kỹ sư chuyên chế tạo, lắp đặt máy lọc nước, Trần Vũ Thành sớm nhận ra màu xanh cây lá quan trọng tới mức nào ở môi trường biển, đảo. Ngoài tạo cảnh quan môi trường, không khí trong lành, bóng mát… cây cối còn là biểu tượng của niềm tin, sức sống và tình cảm nhớ thương sâu đậm của đất liền gửi tới nơi đầu sóng. Mùa hè năm nay, “Trường Sa xanh” đã huy động được 15.000 cây xanh, trong đó có 10.000 cây phi lao giống, 2.000 cây dừa giống, 3.000 cây keo, bạch đàn và hoa giấy.
Chia sẻ về hoạt động này, kỹ sư Trần Vũ Thành hào hứng cho biết: “Điều đáng quý nhất từ khi chương trình mới khởi động cho tới nay đó là luôn nhận được sự chia sẻ, ủng hộ từ các địa phương trên mọi miền Tổ quốc. Huyện Văn Giang của tỉnh Hưng Yên năm nào hè và Tết cũng tặng cây hoa giấy, mẫu đơn, quất cảnh; tỉnh Bình Định thì tặng cây dừa giống, cây lá giang; Đà Lạt tặng phong lan... Nhiều địa phương ở miền núi, trung du, không có biển nhưng tấm lòng luôn hướng về khơi xa bằng nhiều hoạt động ý nghĩa. Có nhiều ngôi trường ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, các em học sinh đã, làm kế hoạch nhỏ để mỗi em ủng hộ một cây xanh, gửi CLB chuyển ra biển đảo. Sự chung tay thể hiện nghĩa tình từ đất liền, cũng là động lực khiến chúng tôi cố gắng phát huy vai trò kết nối.”
Đây là năm thứ 5 CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương triển khai chương trình. Nhẩm tính, đã có hàng trăm nghìn cây xanh được chuyển ra các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Dừa, phi lao, keo, bạch đàn... lứa đầu tiên nay đã vươn xanh. Hoa giấy, mẫu đơn đã trổ bông rực rỡ, trở thành món quà bộ đội trên đảo thường tặng đoàn văn công, khách nữ. Dừa lùn siêu trái, quất xuân đã trĩu trịt những chùm quả căng tròn, vui mắt. Ngoài ra, nhiều loại cây gia vị đang cải thiện từng bữa ăn cho bộ đội. Nhờ đó, bữa cơm đã thêm bát canh chua thanh mát, có vị lá giang Bình Định, sấu tươi Hà Nội... Thời gian rảnh rỗi, bộ đội lại say mê mang các loại hạt giống rau, giá thể để trồng trọt tăng gia... Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình kết nối “tình cây và đất”, anh Thành chia sẻ, đó là năm 2019, khi CLB quyết định thí điểm đưa giống dừa xiêm lùn siêu trái ra trồng tạo cảnh quan cho các đảo. Theo kế hoạch, cần 5 năm để cây thích nghi và ra trái. Tuy nhiên, mùa hè năm 2022, trên đảo Sơn Ca, hầu hết cây dừa xiêm lùn đã kết trái sai trĩu trịt. Mỗi đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm đảo đều đứng cạnh những cây dừa xum xuê để “Check-in” trong niềm hào hứng khi món quà từ đất liền đã đơm hoa kết trái đầy mạnh mẽ, viên mãn giữa đảo xa.
Vận chuyển quà ra biển đảo vốn là câu chuyện không hề giản đơn, và chuyển cây xanh lại càng phức tạp. Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, cũng là thành viên của CLB chia sẻ: “Mỗi cây xanh từ khi còn ở vườn được xác định tặng cho biển đảo sẽ được chăm sóc theo chế độ đặc biệt sao cho thật khỏe mạnh, cứng cáp, có thể thích ứng với điều kiện khắc nghiệt. Từ vườn, cây được bứng vào bầu đất, che chắn thật cẩn thận và các địa phương sẽ tập hợp chuyển về Hà Nội. Tại đây, CLB phân loại, tiếp tục chăm sóc trước khi đưa cây lên tàu chuyển vào Nha Trang. Vì những mầm xanh còn non nớt nên bất cứ ai trong “mắt xích” vận chuyển đều phải “nâng như nâng trứng”. Nhiều năm qua, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội là đơn vị vận chuyển miễn phí toàn bộ số lượng hàng quà của CLB từ ga Hà Nội tới ga Nha Trang. Riêng với cây xanh, nhân viên ngành đường sắt rất vất vả trong bảo quản, chăm sóc. Cây vào tới Nha Trang vẫn còn một hành trình dài vận chuyển vào Quân cảng Cam Ranh, lên tàu, ra khơi và sau đó mới được từng đảo tiếp nhận. Cả hành trình dài như thế, đến người còn mỏi mệt, say sóng, huống gì cây. Chúng tôi tính trung bình, mỗi một mầm xanh phải trải qua hơn 10 lần vận chuyển và buộc phải tính tới xác suất cây bị héo, chết, nên các địa phương đều gửi dôi dư so với số lượng ủng hộ.”
Dâng trào cảm xúc thiêng liêng
Đại tá Phan Ngọc Quang - Chính ủy Lữ đoàn 685, Vùng 4 Hải quân là gương mặt quen thuộc của “Trường Sa xanh”. Nhiều lần ông đã di chuyển chặng đường xa từ Cam Ranh, Khánh Hòa ra Hà Nội, về các địa phương để tham gia các cuộc tuyên truyền, vận động. Năm nay, ông trực tiếp tham gia vận chuyển cây xanh lên tàu. Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Duyên, phòng Nội vụ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương kiêm giảng viên trường Đại học Thành Đông tặng chương trình “Trường Sa xanh” 5.000 cây keo, 200 lá cờ Tổ quốc và quà đặc sản Hải Dương. Chị tâm sự, nhắc tới Trường Sa, trong lòng chị luôn dâng trào tình cảm thật sâu nặng bởi biển đảo luôn là một phần thiêng liêng của Tổ Quốc. “Là một cán bộ công chức đồng thời giảng viên trường đại học, tôi thấy mình nên làm những điều nhỏ nhất góp một phần nhỏ bé của bản thân như lời tri ân cảm ơn với Trường Sa thân yêu. Qua đây tôi muốn được gửi những tâm tình và tình yêu về những người lính, các lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc nhất là lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi - những người hậu phương đất liền luôn biết ơn sự hy sinh thầm lặng của các anh để làm tròn nhiệm vụ”, chị nói.
Anh Đỗ Ngọc Tú - Bí thư Huyện đoàn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh: “Nhằm khơi dậy, hun đúc và thắp sáng tình yêu biển đảo trong trái tim tuổi trẻ, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đoàn viên, thanh niên về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, Huyện đoàn luôn duy trì và hưởng ứng chương trình “Trường Sa xanh”, tặng nhiều cây xanh và cờ Tổ quốc đến 33 điểm đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Thông thường, chúng tôi có khoảng 30 ngày để triển khai, công việc ấy bao giờ cũng đầy hào hứng, gấp rút và yêu cầu cao về sự cẩn thận, chu đáo. Mùa hè năm nay, Huyện đoàn tặng 200 cây hoa giấy và hơn 500 lá cờ Tổ quốc, dịp Tết Nguyên đán 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục tặng quất xuân, hoa giấy, hoa mẫu đơn và đặc sản địa phương”.
Tiếp nhận tình cảm đầy yêu thương của đất liền, trước khi những con tàu rời đảo, bộ đội Trường Sa cũng thường gửi tặng từng cây bàng quả vuông, phong ba, bão táp, tra, mù u… được ươm trồng qua bao ngày tháng làm quà cho đất mẹ. Dù là địa phương miền trung du, không có đường biên giới và biển, nhưng huyện Cẩm Khê của tỉnh Phú Thọ có tới 80 điểm trường (tính cả trường mầm non) đều đang trồng và chăm sóc cây bàng quả vuông Trường Sa. Những mầm cây vươn lên, những đóa hoa bung nở, tán rợp mát sân trường… đã mang đến cho nhiều thế hệ thầy và trò miền trung du cảm xúc về vùng biển đảo tuy xa cách về địa lý nhưng rất gần gũi như máu thịt. Ông Bùi Xuân Vĩnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Khê cho biết: “Các em học sinh là những chủ nhân tương lai, ngoài việc học kiến thức, kỹ năng, các em cần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và con người. Biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, do cha ông ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu giữ gìn. Chúng ta cần có trách nhiệm tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, đúng như lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cách đây gần 500 năm:
“Biển Đông vạn dặm giang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình”.
Những chân dung thầm lặng
Nhiều người quen gọi Trần Vũ Thành là “kỹ sư biển đảo” hay gần gũi hơn là anh Thành “Trường Sa xanh”, anh Thành “lọc nước biển”… Bao năm qua, người “thuyền trưởng” của “con tàu” mang tên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương vẫn thầm lặng, tận tụy đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ của mình tới những vùng miền xa xôi, khó khăn của đất nước. Ngoài máy lọc nước, anh còn chế tạo máy ép rác, công nghệ xử lý vi sinh ứng dụng cho môi trường biển đảo nhằm hạn chế rác thải, ô nhiễm. Trần Vũ Thành nhận được nhiều khen thưởng của: Tổ chức tình nguyện Liên hợp quốc, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chính Minh, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân… và Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam Vifotec 2017. Có người thắc mắc, vì sao Trần Vũ Thành lại có thể chế tạo ra những sản phẩm công nghệ một cách nhanh chóng, chất lượng không kém hàng ngoại nhập mà giá thành lại rẻ, anh bộc bạch rất mộc mạc, xuất phát điểm của anh là dân xây dựng, chuyên thi công hầm. Đó là công việc đặc thù, luôn đòi hỏi kỹ sư phải đảm bảo tiến độ nhanh chóng, sáng tạo không ngừng và an toàn ở mức cao nhất. Nhiều phương án lọc nước anh đã thực hành, chẳng hạn lọc nước trong hầm có chứa thuốc nổ rồi mới xả ra môi trường nên công việc hiện tại là nhịp tiếp nối phù hợp. Mỗi khi xong công việc của một kỹ sư, anh lại cầm máy ảnh, ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng về miền đất, con người mình đã gặp, đã quen và gắn bó. Suốt thời gian toàn xã hội gồng mình chống dịch, người kỹ sư yêu biển đảo vẫn nhiệt tình kêu gọi ủng hộ cây xanh, nông sản, máy lọc nước cho Trường Sa, Nhà giàn DK1. Ngoài “Trường Sa xanh” còn có chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo”.
Trong hành trình đẹp đẽ đó, điều khiến anh Thành nhiều xúc động nhất đó là mỗi khi được các bậc bô lão ở địa phương, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng tinh thần lan tỏa tới thế hệ con cháu vẫn đầy nhiệt huyết, quyết tâm. Ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, có một cựu quân nhân từng công tác ở đảo Vĩnh Thực (Quảng Ninh) giờ vẫn miệt mài với ruộng đồng và chăm từng cây quất cảnh để gửi tặng Trường Sa, Nhà giàn DK1. Ông tên là Phạm Hoàng Tài, sinh năm 1962. Ký ức thời thanh xuân gắn bó với biển đảo vì nhiệm vụ và đời sống sinh hoạt chan hòa, tình nghĩa với đồng đội vẫn nguyên vẹn trong ông. Ai hỏi về biển đảo, ông thường chuyện trò sôi nổi hẳn lên. Chuyện tếu táo của lính xa nhà, niềm mong ngóng dòng tin từ đất mẹ... Ngoài rau, lúa, gia đình ông trồng thêm quất cảnh. Lứa quất đặc biệt nhất từ dáng cây đến lượng quả, mầm chồi… ông dành tặng biển, đảo. Nâng niu từng nhành cây, vun xới từng vồng đất, tình cảm của người lính năm xưa gửi vào đất đai, để cứ mỗi độ sắp sửa Tết đến, xuân về, ông lại ngóng chờ người của CLB từ Hà Nội, để được trao đi những cây quất mình tự tay lựa chọn, chăm sóc. Ông kể, cũng có năm thời tiết không thuận lợi, mưa gió đúng đợt cây ra hoa, đậu quả, rồi có khi giông gió bật cả gốc cây. Đau lắm, xót lắm, mắt cứ cay xè. Suốt những ngày sau đó, ông quên ăn quên ngủ, bám trụ với mảnh vườn, trồng lại từng gốc cây, tính toán mọi phương án để có đợt hoa mới và đậu quả, chín đúng thời điểm.
Trong những câu chuyện đầy kỷ niệm về hành trình “tình cây và đất”, điều mà kỹ sư Trần Vũ Thành và các thành viên CLB cho rằng mình nhận được nhiều nhất đó là nguồn năng lượng bất tận về tình yêu, tình nghĩa thật ấm áp, lớn lao của đồng bào trong cả nước dành cho những người lính đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió. Đồng bào cả nước mỗi lần gửi cây xanh đều kèm theo rất nhiều quà… Ai cũng sẵn sàng chia sẻ những gì mình có để đời sống người lính giữa trùng khơi thêm hương vị quê nhà, để những người lính đang làm nhiệm vụ cảm nhận được vòng tay quê hương đang che chở.