“Đếm gió đo mây” trên đỉnh Pha Đin

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:45, 04/08/2022

(TN&MT) - Chúng tôi đến với Trạm Khí tượng Pha Đin vào một chiều mùa hạ. Giữa vườn khí tượng, Vàng A Phía - Trạm trưởng Trạm Khí tượng Pha Đin đang quan sát các đám mây. 10 năm vào nghề cũng là bằng đó thời gian chàng trai người H'Mông A Phía gắn bó với khoảng trời Tây Bắc, với Pha Đin huyền thoại.

Lặng thầm bắt mạch trời

Cũng như bao quan trắc viên khác, một ngày của A Phía bắt đầu từ … 0h30 phút sáng. Khi tiếng chuông báo thức vang lên, Phía chuẩn bị sổ sách, kiểm tra máy móc, các trang thiết bị cần thiết cho “ốp” quan trắc lúc 1 giờ. Hằng ngày, công việc quan trắc được thực hiện đều đặn 4 “ốp”, vào các khung giờ: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ; người quan trắc viên sẽ tỉ mỉ ghi ghép các thông số gồm: Gió, mưa, trạng thái mặt đất, mây, nhiệt độ, độ ẩm không khí, bốc hơi, tầm nhìn ngang…; theo dõi các hiện tượng thời tiết liên tục 24/24h...

a2-3-.jpg

Vàng A Phía thực hiện “ốp” quan trắc lúc 13h.

Là người con của núi rừng Pha Đin, sinh ra và lớn lên ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, A Phía bén duyên với nghề từ một dịp rất tình cờ. Sinh năm 1991, Phía tốt nghiệp hệ Trung cấp ngành KTTV ở Trường Đại học TN&MT Hà Nội. Tháng 1/2013, Phía học việc tại Trạm Khí tượng Sơn La và chính thức nhận việc tại Pha Đin từ ngày 1/4/2013. Anh tâm sự: “Trước đây, tôi cũng chưa biết đến ngành KTTV đâu. Khi trạm Pha Đin xây mới, tôi có dịp được đến, tham quan, biết và thấu hiểu công việc của các anh chị quan trắc viên. Từ sự kết nối ấy, tôi cảm thấy ngành có ý nghĩa rất quan trọng và đã quyết tâm chọn, gắn bó với ngành”.

Dẫn tôi ra vườn quan trắc khí tượng, Phía giới thiệu tác dụng của từng máy, trang thiết bị. Xong Phía chỉ lên trời, bảo: “Trên bầu trời có 10 loại mây, 9 tính mây, để quan trắc mây phải xác định lượng mây trên, mây dưới, phần bầu trời bị mây bao phủ; rồi loại, dạng, tính mây, độ cao trần mây… Quan sát từng loại mây có thể biết loại mây nào gây ra mưa hoặc không. Còn nhìn về xa kia, căn cứ vào tiêu điểm là các đỉnh núi, tầm xa bao nhiêu sẽ có thể đánh giá hiện tượng thời tiết tốt hay xấu. Đây là cách để thiên nhiên nói cho chúng ta biết tâm trạng của mình. Tất nhiên, chúng tôi đã được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật và rèn luyện được các kỹ năng để đánh giá, nhận biết các hiện tượng thời tiết được nhanh, chính xác” - Phía chia sẻ.

Giữ lửa nghề giữa đại ngàn

Trạm Khí tượng Pha Đin là trạm Khí tượng hạng III, nằm biệt lập trên một trong những đỉnh cao nhất tại Đèo Pha Đin, thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, ở độ cao so với mực nước biển là 1.377m.

Những ngày đầu mới nhận việc, Phía còn nhớ như in cảm xúc xa lạ, bỡ ngỡ ấy. Nhưng chàng trai trẻ rất vui vì được về nhận công tác trên mảnh đất quê hương. 10 năm gắn bó với Trạm, chặng đường chưa phải là dài nhưng cũng không hề ngắn. Với A Phía, những kỷ niệm của tuổi trẻ đều gắn bó với mảnh trời Tây Bắc này, có lúc êm đềm, bình lặng nhưng cũng ghi dấu bao kỷ niệm khó phai.

a1-1-.jpg
Vàng A Phía đang đọc "tâm trạng" của thiên nhiên

Đó là trận rét đậm, rét hại, mưa tuyết xảy ra vào tháng 1 năm 2016. Bình thường, nhiệt độ trên khu vực này luôn thấp hơn dưới đồng bằng, mùa đông thường chỉ có 0 - 10C. Nhưng mùa đông năm đó, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục âm 4,30C. Rét đậm, rét hại, mưa tuyết làm cột điện bị đóng băng, gãy đổ, mất điện một tuần trời, nước sinh hoạt cũng đóng băng. Lúc bấy giờ, dù Trạm chỉ có 2 quan trắc viên, nhưng anh em bảo nhau phải cùng nỗ lực vượt qua, người trực làm quan trắc, người chạy xuống khu dân cư để sạc nhờ điện thoại, ắc quy. Đơn vị vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuyển thông tin về Đài đúng giờ bằng điện thoại.

Và không thiếu những lần mưa gió, thời tiết diễn biến bất thường. Những lúc như thế, người quan trắc viên lại càng phải dồn tâm, dồn lực, tăng thêm các ca quan trắc để có thể cung cấp kịp thời số liệu phục vụ thông tin cảnh báo, dự báo chính xác, kịp thời nhất.

- “Những ngày lễ Tết thì sao? Có năm nào A Phía được đón giao thừa ở nhà không?” - Tôi hỏi. Ngẩn người, Phía cười: “Ừ nhỉ, hình như không có năm nào. Những ngày Tết, để người dân yên tâm đón Tết, công việc của những quan trắc viên, dự báo viên KTTV không giảm mà còn tăng lên. Chỉ hôm sau, anh em chia ca trực để mỗi người về nhà một lát. Vì công việc nên chúng tôi cũng luôn động viên nhau cùng cố gắng, miễn sao bà con có được thông tin thời tiết đúng, để có những ngày nghỉ vui vẻ, hạnh phúc, bình an”.

Rời Pha Đin khi mặt trời đã khuất bóng, con đường dài heo hút dẫn xuống Quốc lộ 6 tối đen, hai bên là cánh rừng im lìm. Quay nhìn lại, trên đỉnh đồi chỉ còn ánh đèn heo hắt giữa không gian tịch mịch. Bóng dáng người quan trắc viên lùi xa dần cùng những hàng cây. Đặc thù nghề của những quan trắc viên KTTV có lẽ không quá vất vả, nhưng yêu cầu rất cao về tính cần mẫn, tỉ mỉ, chính xác về thời gian, để đảm bảo thông số quan trắc chuẩn xác, kịp thời nhất.

“Làm thế nào để các bạn duy trì được sự hứng thú và lòng yêu nghề?” - Tôi nhớ lại câu trả lời của Phía trước khi chia tay: “Là người dân vùng núi, tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh thiên tai tàn phá, gây thiệt hại nặng nề. Bởi thế, công tác KTTV rất quan trọng với đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân địa phương. Tôi luôn dặn bản thân mình phải không ngừng cố gắng, nỗ lực, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn, cống hiến và gắn bó với ngành hơn nữa. Từ những số liệu quan trắc tin cậy để ra được các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng chính xác, sẽ góp phần cung cấp cho bà con những thông tin để chủ động phòng, tránh thiên tai, bảo vệ được tài sản, tính mạng nhân dân. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, và cũng là mục tiêu phấn đấu mà những người quan trắc viên KTTV chúng tôi luôn hướng tới” - Phía chia sẻ.

Thanh Nga