Hải Phòng hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững: Phát triển bền vững - quyết tâm chính trị của thành phố Cảng
Môi trường - Ngày đăng : 08:26, 04/08/2022
Tiên phong công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hải Phòng đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Đến năm 2017, thu nội địa của thành phố đã đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra trước 3 năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm tăng 20,55%/năm, gấp 1,47 lần mục tiêu đề ra và gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 36,4%/năm, năm 2020 đạt 20,38 tỷ USD, thị trường xuất khẩu tiếp tục mở rộng, từ 107 thị trường lên 126 thị trường…
Ngành công nghiệp Hải Phòng phát triển mạnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường; giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế Hải Phòng, khẳng định vị trí trung tâm công nghiệp lớn, có tính cạnh tranh cao của cả nước. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo (từ 25,12% năm 2015 lên 39,15% năm 2020). Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020. Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp được đầu tư phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại với 13 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 20,64%/năm.
Kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 đã tăng 13,94%/năm, gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Tỷ trọng GRDP của thành phố trong GDP cả nước tăng từ 3,5% năm 2015 lên 5,3% năm 2020. Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, năm 2020 ước đạt 276,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD.
Hoạt động thương mại Hải Phòng phát triển theo hướng đáp ứng nhu cầu của đất nước và bắt nhịp thời đại. Phát huy lợi thế cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng đã phát triển nhanh hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics. Hạ tầng thương mại tiếp tục được hiện đại hóa, đến nay đã có 11 trung tâm thương mại, 25 siêu thị, 154 chợ, 150 cửa hàng tiện ích, 9 kho xăng dầu, 3 trung tâm logistics. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 12,53%/năm, riêng năm 2020 đạt xấp xỉ 145 nghìn tỷ đồng.
Kinh tế vững vàng tạo điều kiện để Hải Phòng quan tâm đầu tư lớn cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, an sinh xã hội. Nhiều cơ chế, chính sách vượt trội như: Chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp; khen thưởng đối với đội ngũ giáo viên, học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; thưởng cho các vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích tại giải thể thao khu vực và quốc tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%...
Từng bước cải thiện chất lượng môi trường
Là địa phương phát triển công nghiệp nặng, những năm qua, Hải Phòng đã chú trọng hơn đến việc cải thiện chất lượng môi trường chung trên địa bàn thành phố. Giai đoạn 2016 - 2020, chất lượng nguồn nước các năm sau tăng so với năm trước, trong khi chỉ số chất lượng không khí chủ yếu nằm trong ngưỡng tốt và trung bình (chiếm 82,5%). Nhờ nỗ lực trong quản lý chất thải rắn, đến nay, tất cả chất thải đô thị, chất thải công nghiệp, y tế đều đã được thu gom, xử lý triệt để. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nông thôn cũng lên tới 98%, chất thải nguy hại xấp xỉ 100%.
Mặc dù vậy, chính quyền thành phố cũng nhìn nhận, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng trong điều kiện kinh tế toàn cầu có nhiều biến động khó lường. Nhiều vấn đề quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng - trong đó có BVMT - là những vấn đề phức tạp, đòi hỏi thực hiện trong dài hạn. Một lộ trình phát triển bền vững sẽ phù hợp nhất để góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết 45-TU/TW của Bộ Chính trị.
Theo Sở TN&MT thành phố Hải Phòng, các giải pháp nhằm phát triển bền vững Hải Phòng đến năm 2030 không thể không nói đến các giải pháp BVMT, trong đó, nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng và vấn đề xã hội hóa công tác BVMT của thành phố. Cụ thể là vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, phát triển mô hình đô thị sinh thái, mô hình phân loại rác thải tại nguồn theo phương pháp giảm thiểu - tái chế - tái sử dụng (3R), cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng, hạn chế dần tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Để khắc phục các vấn đề bức xúc về môi trường hiện tại, TP cần xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình BVMT như: Chiến lược BVMT giai đoạn 2021 - 2045; Xây dựng và triển khai Đề án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đến năm 2025, phương hướng đến năm 2030…
Một vấn đề quan trọng là tăng cường tài chính, đầu tư cho BVMT thành phố. Cụ thể, quan tâm bố trí ngân sách cho hoạt động BVMT làng nghề, đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, xử lý chất thải rắn theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát môi trường. Bố trí kinh phí đầu tư lắp đặt mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động tại một số vị trí có nguy cơ ô nhiễm môi trường, đảm bảo đủ khả năng theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo, có thông tin kịp thời cho cộng đồng và phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về chất lượng không khí.
Trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường 2020, thành phố sẽ khẩn trương hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT từ cấp thành phố đến cấp xã. Có như vậy mới đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn, nâng cao vai trò của hệ thống chính trị. Người dân kỳ vọng các cấp quản lý thành phố kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư, hoặc loại bỏ các dự án sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường.
Trong bối cảnh mở rộng hợp tác quốc tế, Hải Phòng sẽ có nhiều cơ hội để kêu gọi các tổ chức quốc tế hợp tác và hỗ trợ các công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo; học tập kinh nghiệm về các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Thời gian tới, Hải Phòng quyết tâm tận dụng và phát huy lợi thế, chủ động học hỏi, đổi mới mô hình tăng trưởng để giữ vững vị thế tiên phong trong thời đại mới, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.