Bước chuyển môi trường… điểm sáng vùng biên

Môi trường - Ngày đăng : 08:23, 04/08/2022

(TN&MT) - Theo Quyết định 64 của Thủ tướng, Điện Biên có 4 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lộ trình xử lý đến năm 2020, Điện Biên phải đưa 4 cơ sở này ra khỏi “sách đen”. Với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên, vấn đề xử lý môi trường không phải là việc dễ làm. Tuy nhiên tại thời điểm này, Điện Biên không những đã đưa các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi Quyết định 64 của Thủ tướng mà còn là một trong những địa phương kiểm soát môi trường tốt nhất trong cả khu vực…

Đưa cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi Quyết định 64

Theo Quyết định 64, Điện Biên có 4 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Bãi rác Noong Bua; hệ thống thoát nước, thu gom xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ; Hệ thống xử lý chất thải Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và Hệ thống xử lý chất thải Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên…

Tuy nhiên, Điện Biên là tỉnh miền núi, hơn 90% phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, để giải quyết vấn đề về xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các cơ sở nêu trên là điều không dễ dàng.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Thanh Phượng - Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Theo lộ trình yêu cầu của Thủ tướng, đến năm 2020, tỉnh Điện Biên phải đưa 4 cơ sở này ra khỏi danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

anh-3-2-.jpg

Một góc TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Trước thực trạng đó, Sở TN&MT Điện Biên trực tiếp xin ý kiến từ Tổng Cục môi trường, Bộ TN&MT, về dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác Noong Bua. Được Bộ đồng ý và hỗ trợ nguồn kinh phí 20 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên đối ứng 20 tỷ đồng.

“Thật sự ban đầu chúng tôi rất lo lắng, chưa biết sẽ phải tham mưu cho tỉnh xử lý theo hướng nào khi mà điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, chi phí để xử lý cho các vấn đề liên quan đến môi trường không phải là thấp. Bên cạnh kinh phí thì còn đi kèm rất nhiều yếu tố, sự bắt tay vào cuộc của tỉnh và các cấp, các ngành, chính quyền địa phương… đặc biệt là công nghệ xử lý nước rỉ thải, rác thải tại bãi rác Noong Bua. Thời điểm đó, ngoài việc đóng cửa bãi rác Noong Bua, tỉnh Điện Biên còn phải tìm địa điểm mới tiếp nhận rác và công nghệ xử lý rác cho toàn thành phố…” - bà Phượng cho biết.

Trong khi đó, bãi rác Noong Bua tồn tại hơn 20 năm, diện tích nhỏ hẹp, gần khu dân cư. Công nghệ xử lý lúc bấy giờ chưa có gì ngoài việc áp dụng thủ công chôn lấp, quá trình vận chuyển rác, tuyến vận chuyển cũng đi qua khu dân cư. Đặc biệt, nước rỉ thải từ bãi rác… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước của các hộ dân sống gần bãi rác.

Dự án đóng cửa bãi rác Noong Bua được triển khai, song song với đó là Nhà máy xử lý rác thải ở xã Pom Lót, huyện Điện Biên đồng thời được triển khai với công nghệ tiên tiến. Tổng số vốn 70 tỷ đồng, diện tích nhà máy 10,5ha. Hiện đại nhất khu vực.

Đến nay, bãi rác Noong Bua đã được đóng cửa hoàn toàn, Nhà máy xử lý rác thải Pom Lót đã đi vào hoạt động. Toàn bộ rác thải của TP. Điện Biên Phủ đã được thu gom xử lý triệt để. Cùng với bãi rác Noong Bua, 3 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Điện Biên cũng đã được xử lý triệt để và đưa ra khỏi Quyết định 64 của Thủ tướng...

Không phát sinh mới cơ sở ô nhiễm môi trường

Nếu thành quả của việc đưa 4 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Điện Biên ra khỏi Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ là công sức to lớn của Sở TN&MT, sự đóng góp của đơn vị chuyên môn - trực tiếp là Chi cục Bảo vệ môi trường (nay là Phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu) và sự chỉ đạo quyết tâm của UBND tỉnh Điện Biên thì việc đề xuất kế hoạch triển khai kiểm soát môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong những năm qua mang lại hiệu quả tích cực có sự đóng góp không nhỏ của bộ phận chuyên môn.

Bà Đặng Thị Hồng Loan - Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, chia sẻ: “Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Để làm được, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá chất lượng, tiến độ, hiện trạng các dự án. Đồng thời, chỉ ra thực trạng và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn các địa phương xây dựng bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; giải pháp giảm thiểu phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020…; Giải pháp giảm thiểu lượng rác thải y tế phát sinh trong khu cách ly, khu chữa bệnh Covid-19”.

Cùng với đó, tham mưu cho lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh ban hành 14 văn bản, kế hoạch, thực hiện 32 báo cáo định kỳ về lĩnh vực môi trường; góp ý 65 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành.

Những nỗ lực cố gắng đó đã cùng các cơ quan chức năng góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành TN&MT tỉnh Điện Biên, đưa Điện Biên trở thành điểm sáng môi trường vùng biên.

Trần Hương