Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh công tác ngoại giao để phục vụ kinh tế - xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 13:16, 02/08/2022
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện tỉnh đang tăng cường thúc đẩy quan hệ với một số chính quyền địa phương liên quan đến ngoại giao văn hóa. Tổ chức nhiều buổi giới thiệu các sản phẩm của các tổ chức là đối tác của kiều bào; phối hợp với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị tổ chức Chương trình Trại hè năm 2022; phối hợp Trung tâm Khoa học và Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam triển khai hoạt động trao học bổng Tài năng Odon Vallet năm 2022.
Thừa Thiên- Huế tiếp tục giữ mối liên lạc trao đổi với các nước trong các lĩnh vực văn hóa di sản, du lịch; tăng cường hợp tác với các tỉnh Gifu, Niigata, Nara, Kyoto, Shiga (Nhật Bản), chính quyền Thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) thông qua hoạt động giao lưu thư viện và hợp tác quảng bá song phương về văn hóa, du lịch trên các phương tiện truyền thông. Tham gia Hội nghị trực tuyến giữa kỳ về hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hiệp hội các địa phương Pháp tổ chức, chuẩn bị kế hoạch tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ XII dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm 2022 tại Hà Nội.
Việc ổn định tình hình biên giới những năm qua cũng luôn được tỉnh quan tâm, đã mở lại 2 cặp cửa khẩu chính A Đớt - Tà Vàng và Hồng Vân - Cô Tài, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, nòng cốt là lực lượng biên phòng, phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển và xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra. Hoạt động xuất nhập cảnh người và hàng hoá qua cảng biển được duy trì, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành về phòng dịch.
Đến nay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 609,1 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ và đạt 54% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 404,3 triệu USD, tăng 16,6% so cùng kỳ và đạt 62,2% kế hoạch năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 25 triệu; có 12 dự án ODA triển khai trên địa bàn, trong đó có 7 dự án đầu tư và 5 dự án hỗ trợ kỹ thuật.
“Để góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ tăng cường tiếp xúc, quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp của tỉnh và các dự án trọng điểm; các dự án chế biến sâu từ nguyên liệu cát, gỗ, nông, thuỷ sản, sản xuất sợi, cơ khí và các dự án công nghệ cao, sản xuất nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt may; dự án nông nghiệp công nghệ cao”, ông Nguyễn Văn Phương cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Thừa Thiên- Huế, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định về ngoại giao, điển hình như công tác vận động nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh chưa có tính chủ động cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế chưa được chặt chẽ; sản phẩm thông tin đối ngoại chưa thực sự hấp dẫn; hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông ở khu vực biên giới chưa hoàn thiện khiến hoạt động thương mại ở khu vực biên giới còn hạn chế, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa còn thấp...
Tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên- Huế mới đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác ngoại giao của Thừa Thiên- Huế, tỉnh đã xác định lấy trọng tâm là ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo hài hoà các mặt an ninh đối ngoại, quốc phòng, chủ quyền biên giới, lãnh thổ...
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục quan tâm đến công tác ngoại giao, xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ; xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.
“Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng tỉnh tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ tỉnh trong các mặt công tác, góp phần cùng tỉnh thực hiện thành công những mục tiêu, kế hoạch đề ra, sớm đưa Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Tỉnh Thừa Thiên- Huế mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho địa phương trong việc xây dựng các chiến lược quảng bá có trọng tâm, trọng điểm đối với từng địa bàn theo nhu cầu thị hiếu của từng địa bàn; tạo điều kiện cho tỉnh được cập nhật kịp thời về chính sách đối ngoại và quan hệ với các nước, các lĩnh vực ưu tiên trọng điểm trong quan hệ với một số nước. Tích cực ủng hộ, hỗ trợ tỉnh trong việc hợp tác, xúc tiến thiết lập quan hệ với các địa phương, vùng, lãnh thổ nước ngoài, với nhiều đối tác; quan tâm vận động UNESCO và các tổ chức quốc tế trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản quần thể di tích Cố đô Huế; bố trí nguồn ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng hai bên khu vực cửa khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu vực kinh tế, xây dựng và nâng cấp các chợ biên giới nhằm nâng cao hiệu quả giao thương giữa tỉnh Thừa Thiên- Huế với hai tỉnh giáp biên...