Việt Nam quyết tâm phát thải ròng về “0”

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:11, 02/08/2022

(TN&MT) - Theo Chiến lược quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050 vừa được phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cụ thể, tổng phát thải các-bon trong các lĩnh vực phát thải chủ yếu là năng lượng, nông nghiệp, chất thải, các quá trình công nghiệp chỉ còn khoảng 185 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) – cân bằng với lượng hấp thụ các-bon đạt được từ lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải

Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ trải rộng trên nhiều lĩnh vực và cần sự phối hợp đồng bộ, thực chất. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức thực hiện Chiến lược trên phạm vi cả nước. Các bên phải xây dựng và thực hiện nhiều kế hoạch liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, giai đoạn sau năm 2030 – 2050, trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể cho các địa phương, tiểu ngành để góp phần vào mục tiêu chung quốc gia.

kinhtexanh.jpg
Việt Nam sẽ giảm phát thải trên nhiều lĩnh vực và hướng tới phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Từ năm 2022, các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2tđ trở lên bắt buộc phải kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng khuyến khích các cơ sở phát thải khác, đặc biệt là các cơ sở thuộc khu vực công thực hiện công tác này. Bởi càng về sau, đối tượng sẽ được mở rộng hơn đến các cơ sở phát thải hàng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030 trở đi; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050. Mọi cơ sở thuộc khu vực công phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2050.

Chiến lược cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động hằng ngày và trong đầu tư mới, mua sắm công, bao gồm các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, các công trình xanh, làm mát bền vững, sử dụng xe điện chạy pin và các thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Khuyến khích các dự án đầu tư mới và các dự án đã đầu tư chuyển đổi, áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính và tham gia vào các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và với điều kiện, hoạt động của mình. Trên cơ sở này, việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động hằng ngày sẽ dần trở thành vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp.

giam-phat-thai.jpg
Từ năm 2022, các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2tđ trở lên bắt buộc phải kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính

Sắp tới, các quy định hướng dẫn về giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính, hệ thống “đo đạc, báo cáo, thẩm định” hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thể chế hóa mô hình phát triển các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn; áp dụng hiệu quả các công cụ định giá các-bon, cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu… sẽ dần được hoàn thiện. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ từng bước ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các lĩnh vực, chính sách thương mại và thúc đẩy phát triển bền vững; nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và tránh gây hại cho môi trường…

Nhiệm vụ cụ thể theo lĩnh vực

Theo báo cáo câp nhật hai năm một lần lần thứ 3 của Việt Nam, tổng phát thải ròng khí nhà kính trong năm 2016 là 316,7 triệu tấn CO2 tđ, trong đó, ngành năng lượng chiếm tỷ trọng phát thải cao nhất. Trên cơ sở các nghiên cứu và dự báo phát thải, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho những lĩnh vực phát thải và hấp thụ các-bon chủ yếu của Việt Nam.

Đối với lĩnh vực năng lượng, nhiệm vụ căn bản nhất là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối cần chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát và tăng đến 55% vào năm 2050. Để làm được điều này, Chiến lược nhấn mạnh cần chuyển đổi dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần quy mô công suất điện than sau năm 2035. Những ngành tiềm năng cao chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch là công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng.

anh-minh-hoa-2.jpg
Ngành giao thông vận tải có nhiều tiềm năng chuyển đổi sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường

Các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ từng bước áp dụng công nghệ chuyển đổi sang nhiên liệu sạch, không phát thải và tiến tới giảm tối đa lượng nhiên liệu hóa thạch cho phát điện vào năm 2050; xem xét phát triển điện hạt nhân với công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn vào thời điểm phù hợp. Ngành điện sẽ phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng, nâng cấp hệ thống truyền tải và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thu giữ, lưu trữ các bon (CCS) cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Lĩnh vực nông nghiệp được định hướng giảm phát thải thông qua áp dụng các biện pháp quản lý, đổi mới công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp phát thải thấp và chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Trong khi đó, lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất có nhiệm vụ quan trọng nhất là giảm phát thải, tăng hấp thụ các bon từ rừng, bằng cách: bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có; trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng để giảm phát thải từ kiểm soát mất rừng và suy thoái rừng, cháy rừng và đốt sinh khối; tăng chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái. Phát triển, nhân rộng các mô hình nông - lâm kết hợp...

Lĩnh vực chất thải sẽ triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, giảm thiểu phát sinh chất thải từ sản xuất đến tiêu dùng, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải. Phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn. Áp dụng các biện pháp tiên tiến trong xử lý chất thải rắn gồm: chôn lấp có thu gom khí (LFG), chôn lấp bán hiếu khí; sản xuất phân compost từ chất thải hữu cơ; đốt chất thải rắn để phát điện; sản xuất viên nén nhiên liệu từ chất thải rắn. Áp dụng các biện pháp tiên tiến trong xử lý chất thải, nước thải nhằm giảm phát thải khí mê-tan.

anh-3.jpeg
Lĩnh vực năng lượng sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch

Lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp sẽ cải tiến, phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh trong lĩnh vực nhà ở và thương mại. Thay than đá bằng khí tự nhiên trong sản xuất gạch ốp lát; sử dụng vật liệu thay thế trong sản xuất kính. Thực hiện các giải pháp nghiền xỉ lò thổi, nghiền tro bay, nghiền Puzzolana và nghiền đá vôi thay thế, giảm tỷ lệ clinker trong sản xuất xi măng. Áp dụng công nghệ phân hủy nhiệt độ cao và các công nghệ mới để giảm phát thải N2O trong lĩnh vực hóa chất. Áp dụng công nghệ thu giữ các-bon trong các lĩnh vực sản xuất xi măng, hóa chất - phân bón và luyện thép. Áp dụng công nghệ điện phân ô-xít nóng chảy trong lĩnh vực luyện thép; sử dụng hydro thay thế coke trong luyện thép “xanh” từ năm 2035.

Bên cạnh đó, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về toà nhà xanh, khu đô thị xanh cũng cần được hoàn thiện, bảo đảm đến năm 2050 sẽ áp dụng bắt buộc đối với tất cả các công trình xây dựng mới. Các môi chất lạnh Hydro-cloro-fluoro-carbon (HCFC) và Hydro-fluoro-carbon (HFC) cũng sẽ được giảm dần trong chuỗi lạnh, hệ thống lạnh và điều hòa không khí tòa nhà; nâng cao hiệu quả làm lạnh, giảm nhu cầu làm mát và tiêu hao môi chất lạnh thông qua các giải pháp thiết kế tòa nhà và làm mát thụ động; thúc đẩy việc thu hồi, tái sử dụng, tiêu hủy, tái chế môi chất lạnh và tiến tới sử dụng môi chất lạnh có tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) thấp.

Lượng phát thải của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2035 và sau đó giảm nhanh. Trước mắt, đến năm 2030, tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia phải giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương; lĩnh vực nông nghiệp giảm 43%, không vượt quá 64 triệu tấn CO2tđ. 

Lĩnh vực chất thải giảm 60,7%, không vượt quá 18 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 38,3%, không vượt quá 86 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ các-bon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -95 triệu tấn CO2tđ. Bên cạnh đó, các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Khánh Ly