Kinh tế khởi sắc trên nhiều lĩnh vực

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 17:06, 01/08/2022

(TN&MT) - Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kinh tế nước ta trong tháng 7 và 7 tháng năm 2022 khởi sắc rõ rệt. Hàng loạt các số liệu từ hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, chỉ số sản xuất công nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp... đã cho thấy điều đó.
12.png
Tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 133,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phương Đông

Hơn 130 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản lượng thủy sản tháng 7 của nước ta ước đạt 805,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 462,9 nghìn tấn, tăng 6,1%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 342,5 nghìn tấn, giảm 4%.

Tính chung 7 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 5.003,1 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 3.612 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 650 nghìn tấn, tăng 8,9%; thủy sản khác đạt 741,1 nghìn tấn, tăng 0,9%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%).

1(1).png
Đồ họa: TCTK

Cụ thể hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 30,5%; Hà Tĩnh giảm 10,8%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/7/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, thống kê cho thấy, trong tháng 7, cả nước có gần 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,7% so với tháng trước; tăng 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước còn có 2,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021; có 5.285 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 3% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 7 tháng năm 2022, cả nước có 133,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,7%, bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD

Trong hoạt động đầu tư, theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2022, ước đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 42,3% và tăng 6,3%).

2.png
Đồ họa: TCTK

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2022 có 67 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 313,8 triệu USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước; có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 44,9 triệu USD, giảm 89,4%.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 358,8 triệu USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 7 tháng năm nay, thiên tai làm 97 người chết và mất tích, 68 người bị thương; 12,1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 164,2 nghìn ha lúa và 32,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 5.624,5 tỷ đồng, gấp 7,3 lần cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 7/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.594 vụ vi phạm môi trường, trong đó, xử lý 1.615 vụ với tổng số tiền phạt 21,3 tỷ đồng, giảm 23,4% so với tháng trước và giảm 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm nay đã phát hiện 13.079 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 11.319 vụ với tổng số tiền phạt là 151,8 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh Tùng