Thách thức với ngành Dầu khí trong 5 tháng cuối năm 2022

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:23, 01/08/2022

6 tháng đầu năm 2022, với việc tận dụng tốt cơ hội thị trường, giảm thiểu tác động từ các yếu tố tiêu cực, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt được kết quả sản xuất kinh doanh khả quan, tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Nhận định thách thức trong những còn lại của năm 2022 là không nhỏ, đặc biệt là trước những rủi ro, biến động rất khó lường của thị trường, Petrovietnam tiếp tục nỗ lực bám sát mục tiêu để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Trong 6 tháng cuối năm, diễn biến tình hình thế giới cho thấy ngày càng phức tạp, khó lường khi cạnh tranh chiến lược gay gắt, lạm phát tiếp tục tăng tăng cao, đồng tiền nhiều quốc gia mất giá. Việc thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước làm thu hẹp thị trường, tác động đến các chuỗi cung ứng, nhất là xuất, nhập khẩu, giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tại thời điểm tháng 6/2022, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định sau hơn hai năm đại dịch cùng với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2022.

Hoạt động kinh tế bị kìm hãm do giá năng lượng tăng, điều kiện tài chính kém thuận lợi, nguy cơ suy thoái kinh tế. Lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Thực tế ở tất cả các quốc gia đặt mục tiêu lạm phát, thì các mục tiêu này đều vượt quá - gần 90% các nền kinh tế đang phát triển và tất cả các nền kinh tế phát triển, theo số liệu của WB. Theo dự báo của Consensus Economics đưa ra hồi tháng 5/2022, đến cuối năm nay, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo tháng 2 (4%) được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

be432805b9cd56b8c27994d10387b26e.jpg
Duy trì sản lượng khai thác trong bối cảnh suy giảm sản lượng tự nhiên lớn là thách thức không nhỏ với Petrovietnam

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hôm 27/7 nâng lãi suất thêm 0,75%, lần thứ hai liên tiếp, để đối phó lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 2,25% - 2,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Các NHTW trên thế giới đã chuyển sang đợt tăng lãi suất lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Theo Financial Times, trong ba tháng đầu năm 2022, NHTW trên toàn thế giới đã công bố hơn 60 đợt tăng lãi suất chủ chốt - đây là con số cao nhất kể từ ít nhất là đầu năm 2000. Tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khiến hoạt động của doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro, lợi nhuận biên bị thu hẹp.

Những diễn biến xấu của tình hình kinh tế thế giới ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, gia tăng rủi ro, thu hẹp lợi nhuận, Petrovietnam cũng không nằm ngoài những tác động đó. Ngoài thuận lợi về giá dầu được dự báo neo ở mức cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam đối mặt với không ít khó khăn thách thức do giá xăng dầu biến động khó lường. Huy động khí cho sản xuất điện thấp hơn so với kế hoạch. Tiêu thụ, mở rộng thị trường các sản phẩm dầu khí khó khăn do giá cả tăng cao. Giá và nhu cầu các loại phân bón có xu hướng giảm, nguy cơ thiếu khí cho sản xuất đạm. Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là về tái chính, chi phí cho các hoạt động tăng cao. Giá cả nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên phạm vi thế giới, các dự án đầu tư, trang thiết bị dầu khí (nhất là với Nga) bị ảnh hưởng. Chuyển đổi năng lượng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Petrovietnam… Cùng với đó, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến ngành Dầu khí còn nhiều bất cập, chậm sửa đổi, ban hành để phù hợp với tình hình mới. Từ giải ngân đầu tư công đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều thách thức…

67621f6459a7acc1c138f6003bdca066.jpg
Công trình Dầu khí trên biển

Bên cạnh đó, một khó khăn rất lớn của Petrovietnam là duy trì sản lượng khai thác trong bối cảnh phần lớn các mỏ dầu khí đóng góp sản lượng lớn đều đã được đưa vào khai thác 15 – 35 năm, đang ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, độ suy giảm sản lượng tự nhiên không thể tránh khỏi. Trong khi đó, trong những năm qua do nhiều hạn chế về mặt cơ chế, chính sách liên quan, cũng như điều kiện ngành Dầu khí trong tình hình mới có nhiều thay đổi, khiến hoạt động tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước, nguồn bổ sung vào khai thác hằng năm cũng hạn chế. Trong nhiều năm qua, Tập đoàn tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng chế, với nhiều giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu… Dù cố gắng, hàng năm sản lượng của các mỏ hiện hữu vẫn suy giảm từ 10% - 15%.

Do đó, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác dầu thô năm 2022 là thách thức rất lớn của Petrovietnam. Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã nỗ lực duy trì sản lượng khai thác dầu thô ở mức tương đương so với cùng kỳ (đạt 5,48 triệu tấn). Đây thực sự là một cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu sản lượng khai thác của những tháng cuối năm tiếp tục sẽ là thách thức không nhỏ.

51b0b59d03071bc23d7234430e858c50.jpg
Lãnh đạo Petrovietnam duy trì giao ban định kỳ hàng tháng với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn để chỉ đạo, điều hành hoạt động SXKD

Duy trì sản lượng khai thác, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối là mục tiêu quan trọng, chỉ đạo quyết liệt, nhất quán trong năm 2022 của Petrovietnam. Đây cũng là chỉ đạo, mong muốn của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Petrovietnam qua các buổi làm việc với Tập đoàn, nhằm tận dụng cơ hội thị trường, tăng cường đóng góp cho nền kinh tế đất nước, bù đắp cho nhiều ngành kinh tế đang suy giảm.

Bên cạnh đó, nhận định tình hình thị trường ngày càng có nhiều biến động khó lường, các rủi ro cũng ngày càng đa dạng, Petrovietnam luôn chủ động cập nhật tình hình, dự báo, thường xuyên rà soát, đánh giá, tổ chức xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó phù hợp; đặc biệt tập trung các giải pháp quản trị: quản trị biến động, quản lý thay đổi, quản trị rủi ro, nhất là các rủi ro tài chính trong giai đoạn hiện nay như (tỷ giá, giá dầu khí, lãi suất, dòng tiền); đồng thời nỗ lực giữ vững và phát triển thị trường,... Song song đó, Petrovietnam cũng quyết liệt thúc đẩy triển khai nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng nắm bắt các xu thế thế mới, đảm bảo cho sự phát triển bền vững như: Chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số, xu hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn,… hiện thực hóa chiến lược chuyển sang hoạt động không chỉ là về dầu khí mà trong ngành công nghiệp năng lượng.

“Quản trị biến động - Đón đầu xu hướng - Nắm bắt cơ hội” là giải pháp xuyên suốt của Petrovietnam trong những năm qua và cho thấy thật sự phát huy hiệu quả, giúp Petrovietnam vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển dưới tác động kép của đại dịch Covid -19 và giá dầu giảm sâu. Không chỉ vậy, trong khó khăn Petrovietnam cũng đã từng bước xây dựng nền tảng vững chắc để phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Các giải pháp trên sẽ tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trong những tháng cuối năm, nhằm hướng tới hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2022.

6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 468,3 nghìn tỷ đồng, vượt 2 lần so với KH 6 tháng, đạt 84% KH năm và tăng 55% so với cùng kỳ 2021; nộp ngân sách toàn Tập đoàn đạt 66,1 nghìn tỷ đồng, vượt 2,2 lần so với KH 6 tháng, hoàn thành và vượt 2% KH năm 2022 và tăng 41% so với cùng kỳ 2021.

PV