Điện Biên: Đẩy mạnh năng lực phòng chống thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:21, 01/08/2022
Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp và khó lường, nhất là các loại hình thiên tai, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 18/2/2022 về việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Có thể thấy, những tác động tiêu cực BĐKH, các hình thái thiên tai trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Điều đó yêu cầu các địa phương phải xây dựng các giải pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của 13 đợt thiên tai bao gồm các loại hình rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân trong tỉnh cụ thể làm 6 người chết, 4 người bị thương. 475 ngôi nhà bị sạt lở, 826 con gia súc, gia cầm bị chết, về nông nghiệp: 884,4 ha diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng và sạt lở đất, về thủy sản: 23,9 ha bị cuốn trôi, 17 điểm trường, 3 trạm y tế bị thiệt hại. Mưa lớn còn làm cho 6.047m tuyến đường tỉnh, huyện, bị sạt lở hư hỏng; 296.975,5m3 đất đá sạt lở xuống đường. 38 công trình bị sạt lở, 16 cột điện bị sạt lở, gãy đổ... Ước thiệt hại khoảng: 79.569,1 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 đợt thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh và các huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ…
Để ứng phó với thiên tai tỉnh Điện Biên chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nguồn lực nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại, khắc phục tình trạng thiên tai tàn phá, triển khai tốt những việc làm thiết thực, chủ động nắm bắt nguy cơ xuất hiện thiên tai để có các bước đối phó thích hợp. Các biện pháp phòng chống thiên tai (PCTT) ở Điện Biên phải là biện pháp tổng hợp, liên kết với nhau, cần được xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tình hình thiên tai hằng năm. Việc xây dựng và áp dụng các biện pháp PCTT phải đảm bảo tính chủ động và nâng cao hiệu quả giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, tiến tới hạn chế những nguyên nhân phát sinh thiên tai, giảm mức độ nguy hiểm của thiên tai, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững mà vẫn bảo đảm duy trì tốt cảnh quan, môi trường.
Đặc biệt, lực lượng phòng,chống thiên tai tại các cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình; xác định những đối tượng chịu ảnh hưởng; vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai; khu vực dễ bị chia cắt... Do đó, cần thường xuyên tăng cường kiến thức, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Theo đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, tránh, ứng phó thiên tai. Tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch PCTT và tìm kiếm, cứu nạn trước mùa mưa, lũ tại các đơn vị, địa phương.