Dấu ấn ngành TN&MT Thừa Thiên- Huế
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:19, 01/08/2022
Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế được thành lập theo Quyết định số 1861/2003/QĐ-UB ngày 08/7/2003 của UBND tỉnh, trên cơ sở hợp nhất tổ chức của Sở Địa chính và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và môi trường thuộc Sở NN&PTNT, Sở Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Sở TN&MT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường gồm đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, đảo và đầm phá; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở.
Trong suốt thời gian dài từ khi thành lập cho đến nay, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn nhưng ngành TN&MT Thừa Thiên- Huế vẫn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, đạt nhiều thành quả ấn tượng để đóng góp cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Sở TN&MT Thừa Thiên- Huế luôn nắm bắt kịp thời vận động của thực tiễn, đổi mới trong công tác điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nguyên tắc một việc giao cho một đơn vị chủ trì, một cá nhân phụ trách. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành...
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản có bước phát triển quan trọng. Sở đã xây dựng phương án quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản. Qua đó, đã tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, nâng cao giá trị khoáng sản, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho lao động.
Để xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản đối với hàng chục mỏ. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1918/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 về Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước được nâng cao, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Công tác thẩm định, cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, xả nước thải vào nguồn nước, cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa theo phân cấp đã đạt được những kết quả khả quan, đưa công tác quản lý tài nguyên nước vào nền nếp. Mặt khác, nhằm bảo vệ nguồn nước, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3559/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh”.
Thường xuyên tăng cường thanh kiểm tra về môi trường; quan trắc, giám sát chất lượng môi trường để từ đó biến “nguy” thành “cơ”; thật sự chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa... Trung tâm Quan trắc TN&MT trực thuộc Sở đã đẩy mạnh công tác tham mưu, hướng dẫn, thực hiện việc nhận, truyền và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động liên tục từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, kiểm soát các nguồn thải để thông tin, đề xuất cơ quan quản lý đưa ra các biện pháp quản lý, ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường.
Từ khi thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp từ ngày 21/3/2016, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã tham mưu trình Sở TN&MT ký cấp đổi 87.129 giấy chứng nhận đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân theo hệ thống xác thực tập trung (SSO) và 36.433 giấy chứng nhận đất nông nghiệp theo dự án do các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển đến. Riêng 5 tháng đầu năm 2022 đã cấp đổi 6.798 giấy chứng nhận.
Để tạo nguồn lực về đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề cương và khái toán kinh phí dự án Lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025) tỉnh Thừa Thiên Huế; tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025). Đồng thời đã thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021- 2030 của 9/9 đơn vị cấp huyện.
Sở TN&MT đã chia sẻ cơ sở dữ liệu địa chính nền phục vụ xây dựng trang thông tin quy hoạch của tỉnh tại địa chỉ ttqh.thuathienhue.gov.vn và ứng dụng Hue-S (mục quy hoạch đất đai), công khai thông tin minh bạch về dữ liệu đất đai, quy hoạch sử dụng đất cho người dân và doanh nghiệp khai thác sử dụng; công khai minh bạch trong quản lý sử dụng đất. Từ năm 2015 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Cụ thể giao đất 166 công trình, dự án với tổng diện tích khoảng 655,9 ha. Cho thuê đất 481 công trình, dự án với tổng diện tích khoảng 2482,9 ha.
Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch Phân vùng sử dụng tổng hợp vùng bờ tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Triển khai Đề án Thiết lập Hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thừa Thiên- Huế; Phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Công bố Đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm vùng biển tỉnh; Phê duyệt Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên- Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Với những kết quả đạt được, ngành TN&MT Thừa Thiên- Huế đã vinh dự được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh trong các phong trào thi đua.
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho rằng, TM&MT là lĩnh vực lớn và quan trọng, trong nhiều năm qua, ngành đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, tập trung triển khai các giải pháp để đưa công tác quản lý nhà nước về môi trường đi vào khuôn khổ, nề nếp, triển khai tốt các dự án bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Thời gian tới là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng với tỉnh, tạo thế và lực mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị để đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương, vì thế ngành cần tập trung triển khai các nhiệm vụ dựa trên ý kiến chỉ đạo của Bộ TN&MT, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trong đó cần chú trọng đẩy nhanh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát đất ở, đất nông nghiệp, đất rừng... đủ điều kiện thì chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận cho người dân, đảm bảo quy hoạch đô thị, hạ tầng, nhà ở...; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nhất là các dự án mang tính thỏa thuận; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra; điều chỉnh quy hoạch các mỏ phù hợp; cần có các giải pháp đồng bộ về Luật Bảo vệ môi trường...”, ông Phương nhấn mạnh.
Ngày 23/4/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND về việc tổ chức lại các phòng chuyên môn, chi cục thuộc Sở TN&MT. Cụ thể, các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ gồm Văn phòng, Thanh tra Sở, Phòng Quản lý tài nguyên, Phòng Biển đảo, đầm phá và biến đổi khí hậu, Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Quản lý đất đai; các đơn vị sự nghiệp công lập gồm Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm Kỹ thuật – Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường