Sơn La: Ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Môi trường - Ngày đăng : 22:17, 31/07/2022

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND, thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sơn La đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ lệ diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp đạt 2,5%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 80%; 100% các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT.

2.jpeg

Sơn La chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường.

100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom; 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom; 50% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý. Trên 50% nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn với đô thị loại II trở lên; trên 20% nước thải đô thị được xử lý với đô thị còn lại.

100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy; 100% khách sạn, khu du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần…

94,8% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 90% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch… Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 32%.

Tầm nhìn đến năm 2050, môi trường tỉnh có chất lượng tốt, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của người dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, đảm bảo cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó BĐKH; xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.

Kế hoạch đã xây dựng 4 nội dung chính. Gồm: Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường; Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi tường; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên; Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.

Trong đó, Sơn La hướng tới phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. Thực hiện xanh hóa các ngành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp sinh thái. Khuyến khích sử dụng các nguồn nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường.

Thực hiện phân vùng môi trường, thiết lập cơ chế kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phát triển gây hại đến môi trường, chú trọng đến các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải. Phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư; chú trọng nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.

1(1).jpg

Sơn La duy trì, đẩy mạnh quan trắc chất lượng môi trường; thường xuyên cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí.

Phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo mức độ nguy cơ gây ô nhiễm; kiểm soát nghiêm ngặt với nhóm cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có lượng xả thải lớn. Thực hiện lộ tình áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) với các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm.

Lập, thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường các cấp và tại các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; chú trọng tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố môi trường. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí khu vực đô thị. Đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm quan trắc không khí tự động; thường xuyên cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí. Tăng cường đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt kết hợp cải tạo, phục hồi các hồ ao, kênh mương ở các đô thị.

Tiếp tục thực hiện trồng, khoanh nuôi, tái sinh rừng, nhất là rừng đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã. Xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát thải các bon thấp, các mô hình sinh kế gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Triển khai hiệu quả Dự án Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Sơn La đề ra 11 chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên triển khai giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050

Gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường và đa dạng sinh học; Đánh giá tình hình phát sinh, quản lý chất thải nhựa; Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2022-2025;

Thực hiện chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Thực hiện quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác; Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cho các nhóm dễ bị tổn thương bởi BĐKH…

Nguyễn Nga