Tòa nhà 244 Kim Mã xây dựng sai phép: Chính quyền xử lý “nửa vời”
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 23:38, 30/07/2022
Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư phản ánh của người dân về công trình số 244 Kim Mã, phường Kim Mã vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, công trình có diện tích 103,9m2, mật độ xây dựng được cấp giấy phép xây dựng là 85%, tuy nhiên công trình được xây dựng 100% diện tích sàn. Người dân đã có đơn tố cáo sai phạm lên phường Kim Mã nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Xác minh thông tin phản ánh của người dân, tại địa chỉ 244 Kim Mã, phóng viên Báo TN&MT ghi nhận công trình này được xây dựng 4 tầng, 1 tầng lửng, 1 hầm và 1 tum với hệ thống cửa kính. Mật độ xây dựng được cấp giấy phép là 85%, tuy nhiên công trình đã được xây dựng 100% diện tích sàn. Tầng lửng của tòa nhà này hiện đang được Ngân hàng Nam Á thuê mặt bằng làm phòng giao dịch.
Ngày 21/4/2022 Sở Xây dựng đã có Văn bản số 2625/SXD-TTr về việc đôn đốc công tác quản lý, xử lý vi phạm trật tự trên địa bàn phường Kim Mã, quận Ba Đình, trong đó có công trình số 244 Kim Mã.
Ông Phạm Quốc Hùng - Cán bộ Tổ Trật tự xây dựng phường Kim Mã thừa nhận tòa nhà số 244 Kim Mã xây dựng sai phép so với giấy phép xây dựng được cấp. Theo đó, ngày 11/5/2022, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối chủ đầu tư tòa nhà là bà Trần Hồng Ngọc với số tiền 17,5 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu bà Ngọc hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng điều chỉnh trong thời hạn 30 ngày.
Quyết định nêu rõ, hết thời hạn quy định, cá nhân vi phạm không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh, UBND phường Kim Mã sẽ ra thông báo yêu cầu cá nhân vi phạm tự tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm và yêu cầu thực hiện trong thời hạn tối đa 15 ngày.
Quyết định xử phạt ban hành là vậy, thế nhưng đến nay đã qua thời hạn thực hiện hơn 2 tháng mà công trình vi phạm số 244 Kim Mã vẫnkhông có dấu hiệu được tháo dỡ mặc dù giấy phép xây dựng điều chỉnh vẫn chưa có. Thậm chí, tòa nhà này vẫn đang cho Ngân hàng Nam Á thuê mặt bằng để làm phòng giao dịch.
Lý giải cho việc công trình vẫn “bất động” khi đã quá thời hạn xử phạt, ông Phạm Quốc Hùng cho hay bà Trần Hồng Ngọc hiện đang ở nước ngoài và đang ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể quay về Việt Nam hoàn thiện hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép xây dựng. Ông Hùng cho biết thêm: Họ (bà Ngọc) có gửi thư chuyển phát nhanh về để xin làm điều chỉnh giấy phép xây dựng. Họ gửi thư cuối tháng 6 và xin cuối tháng 7 hoàn thiện hồ sơ”.
Chủ đầu tư “xin” điều chỉnh giấy phép xây dựng, theo cách xử lý của UBND phường Kim Mã, công trình sai phép đã được chấp nhận gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ để điều chỉnh giấy phép xây dựng. Thế nhưng, việc chấp nhận lại không có văn bản hay thông báo nào được ban hành để xác nhận.
Né tránh vấn đề cung cấp hồ sơ, cán bộ Tổ TTXD Phạm Quốc Hùng cho rằng đây là quyền công dân nên đơn xin điều chỉnh giấy phép cần bà Ngọc cho phép mới được xem. Còn văn bản chấp nhận yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ của bà Ngọc từ UBND phường Kim Mã thì ông Hùng cho hay bà Ngọc đang ở nước ngoài, chưa gửi được văn bản nên “vẫn đang tham mưu lãnh đạo” và “sẽ báo cáo lãnh đạo để có văn bản” cung cấp thông tin cho báo chí!?
Mật độ xây dựng là tiêu chí quan trọng trong quy hoạch đất đai, nhất là tại đô thị lớn như Hà Nội. Hệ quả của việc vượt quá mật độ xây dựng cho phép đã rõ với quy hoạch bị “băm nát” tại tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương khiến trục đường này dày đặc nhà cao tầng, trở nên ngột ngạt vì thiếu không gian xanh và luôn xảy ra tình trạng tắc đường kéo dài.
Với tình trạng xử lý công trình xây dựng sai phép, sai quy hoạch sau đó tìm cách “hóa giải” bằng hợp thức hóa sai phạm đã khiến cho dư luận bức xúc.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin…