Hướng dẫn các quy định liên quan chất ô nhiễm khó phân huỷ
Môi trường - Ngày đăng : 20:50, 28/07/2022
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (chất POP) được các quốc gia ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất POP gây ra. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.
Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên và phê chuẩn Công ước Stockholm. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam. Với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, địa phương, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và các chuyên gia triển khai hiệu quả Kế hoạch này tại Việt Nam. Đồng thời, nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm vào Luật BVMT 2020 quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (tại Điều 69, 97, 98 Luật BVMT 2020).
Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Cục đã phối hợp với Vụ quản lý chất lượng môi trường của Tổng cục Môi trường nghiên cứu triển khai thực hiện. Trong Nghị định có một số quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc thực hiện thủ tục hải quan tại các đơn vị hải quan địa phương có liên quan đến việc nhập khẩu chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: Điện - điện tử, cao su, nhựa, giấy, xi mạ, dệt may, sơn, bọt chữa cháy, thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày về giới thiệu các quy định của Công ước Stockholm và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy; hướng dẫn thực hiện việc đăng ký miễn trừ chất POP; quản lý và kiểm soát xuất nhập khẩu các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Đồng thời, trao đổi, thảo luận những nội dung về đánh giá nhu cầu nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP của các doanh nghiệp; việc thay thế các chất POP trong các ngành/lĩnh vực sản xuất; thủ tục đăng ký miễn trừ chất POP...
Chia sẻ về các quy định quản lý chất POP theo Luật BVMT 2020, đại diện Vụ quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết: Luật BVMT 2020 đã nội luật hóa các quy định về quản lý an toàn, kiểm soát các chất ô nhiễm khó phân hủy nhằm đáp ứng yêu cầu thiết thực về BVMT và phát triển bền vững, đồng thời bắt kịp xu thế quốc tế về quản lý hóa chất và chất POP cũng như thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên của Công ước.
Điều 69 Luật BVMT 2020 đã quy định yêu cầu về BVMT trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (khoản 5 Điều 97) và quy chuẩn kỹ thuật môi trường này phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 3 Điều 98).
Theo Điều 38 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, chất POP phải được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm và danh mục các chất POP này được ban hành tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định này. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng ký miễn trừ chất POP với Ban Thư ký Công ước Stockholm theo yêu cầu của Công ước Stockholm. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP thuộc Phụ lục XVII làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP và gửi hồ sơ đăng ký miễn trừ chất POP về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Kết thúc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức mong muốn, thông qua Hội thảo, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ trong việc triển khai có hiệu quả các quy định này, đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm trong việc giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua giảm phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP), bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.