Công nghệ mới đóng vai trò quyết định trong chất lượng dự báo

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 12:31, 28/07/2022

(TN&MT) - Bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ quan trắc, giám sát liên tục các hiện tượng thời tiết nguy hiểm dựa trên mạng lưới quan trắc tự động, hệ thống radar vệ tinh hiện đại, công nghệ dự báo thời tiết dựa trên các mô hình thời tiết số được thực hiện trên hệ thống siêu máy tính đóng vai trò chính trong việc dự báo xu thế, hiện tượng mưa lớn, mưa cực trị. Đây cũng là công việc mà Phòng Dự báo số và viễn thám đã thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật trong thời qua.

Làm chủ thiết bị, nâng cao chất lượng dự báo

Phòng Dự báo số và viễn thám (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) có chức năng giúp Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thực hiện công tác dự báo khí tượng, cảnh báo thiên tai khí tượng bằng mô hình số trị; phân tích số liệu vệ tinh, ra đa, định vị sét phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV; thực hiện các hoạt động dịch vụ về KTTV theo quy định của pháp luật. Năm 2022, Phòng Dự báo số và viễn thám được Hội đồng Thi đua, khen thưởng Tổng cục KTTV thống nhất đề nghị Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét tặng Bằng khen nhân kỷ niệm 20 năm thành lập ngành Tài nguyên và Môi trường.

Kết quả đó xuất phát từ việc những năm qua, Phòng Dự báo số và viễn thám đã có nhiều thành tích nổi bật trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, góp phần giúp công tác dự báo ngày càng chính xác, hiệu quả hơn. Theo đó, Phòng luôn đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống lưu trữ số liệu, máy tính song song hiệu năng cao, siêu máy tính Cray chạy mô hình dự báo và thu thập, xử lý, hiển thị sản phẩm: GSM, GFS, IFS, WRF3km_IFS, WRF_GFS, WRF3kmIFS_DA,… phục vụ nghiệp vụ dự báo và cung cấp cho các đơn vị nghiệp vụ. Đảm bảo cung cấp các sản phẩm ảnh về dự báo số trên trang thông tin điện tử của Trung tâm.

anh-2-1-.jpg
Các cán bộ, viên chức Phòng Dự báo số và viễn thám đang phân tích hướng di chuyển của một cơn bão. Ảnh: Hoài Linh

Bên cạnh đó, Phòng cũng duy trì hoạt động ổn định của các phần mềm nghiệp vụ mô hình số trị và Trang thông tin điện tử được giao quản lý. Cung cấp đầy đủ thông tin các trường đầu vào từ mô hình dự báo khí tượng, số liệu phân tích mưa cho các mô hình nghiệp vụ dự báo thủy văn và hải văn. Triển khai hệ thống dự báo phân giải cao dựa trên hệ thống siêu máy tính Cray và nguồn số liệu của châu Âu (hệ thống wrf3kmifs, wrf3kmifs_da va sreps-32) và chia sẻ cho các Đài KTTV khu vực, Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm của Đông Nam Á.

Phòng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc trực nghiệp vụ bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ theo quy định của Trung tâm và khi có yêu cầu. Tổ chức cảnh báo mưa dông cho khu vực Hà Nội và 9 Đài KTTV khu vực. Đồng thời, xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu kết hợp toàn cầu và của Việt Nam cho bài toán đồng hoá số liệu. Đưa sản phẩm kết hợp dự báo phân giải cao và bản đồ phân tích mưa từ quan trắc radar, vệ tinh và quan trắc tự động vào việc cảnh báo lũ quét và sạt lở đất. Xây dựng hệ thống đánh giá mô hình thời gian thực, đồng bộ sản phẩm dự báo lên các công cụ hỗ trợ phân tích dự báo mới (smartmet, cdh).

Dù công tác dự báo các hiện tượng thiên tai hiện nay đã có những tiến bộ lớn, tuy nhiên, Trưởng phòng Dự báo số và viễn thám Dư Đức Tiến trăn trở, vẫn tồn tại các vấn đề trong việc cung cấp thông tin dự báo KTTV định lượng cho các bài toán cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất với mức độ chi tiết đến cấp huyện, xã và các vùng núi địa hình mặt đệm phức tạp. Tính toán bằng hệ thống siêu máy tính hiện tại của Tổng cục KTTV chỉ đáp ứng được mức độ chi tiết dự báo khí tượng theo không gian khoảng 10km2, trong khi quy mô dự báo mưa lớn cực trị cho các bài toán thủy văn cảnh báo lũ quét và sạt lở đòi hỏi xuống đến dưới 1km2. Do đó, cần tiếp tục tăng cường đầu tư các hệ thống tính toán gấp nhiều lần so với hiện nay.

Ứng dụng công nghệ mới

Trong những năm gần đây, với yêu cầu chi tiết, định lượng trong các thông tin dự báo KTTV của xã hội, Ngành KTTV Việt Nam đã từng bước hiện đại hóa theo phương châm có được một cơ sở hạ tầng được đầu tư có trọng điểm, chuyên sâu giúp dự báo kịp thời, chính xác các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan như mưa lớn, mưa cực trị, tác động của bão…

Trong thời gian qua, Phòng Dự báo số và viễn thám đã phối hợp chặt chẽ với với các phòng chuyên môn để xây dựng và thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về dự báo số, vệ tinh và đồng hóa số liệu của Trung tâm. Duy trì Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) do Việt Nam đảm nhiệm gồm việc thực hiện 24/7 các bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm, chia sẻ sản phẩm mô hình số. Tham gia việc xây dựng các bản tin Khoa học do Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia giao, tham gia hợp tác quốc tế với Viện Khí tượng Nauy, Phần Lan.

Chia sẻ về kết quả ứng dụng công nghệ dự báo số, ông Dư Dức Tiến cho biết, cuối năm 2018, với việc triển khai đồng bộ từ việc nâng cấp tính toán (hệ thống siêu máy tính CrayXC40) cùng việc đan dầy, đa dạng hóa công nghệ quan trắc đã bước đầu cho phép thử nghiệm công nghệ đồng hóa số liệu song song với công nghệ mô hình dự báo số chi tiết, phân giải cao vào trong nghiệp vụ dự báo thời tiết tại Tổng cục KTTV. Từ ứng dụng công nghệ này, tháng 7/2020, tại Hà Giang xảy ra đợt mưa lớn với lượng mưa đo được ở một số điểm đạt từ 300 đến 400mm trong chưa đầy 6 tiếng. Đây là hiện tượng cực trị liên quan đến các quá trình đối lưu sâu, cục bộ đã phần nào được dự báo trước từ hệ thống công nghệ mới mà các hệ thống mô hình toàn cầu hiện nay đều không thể nắm bắt được.

Việc ứng dụng công nghệ mới trong dự báo đã và đang cho phép Tổng cục KTTV thực hiện dự báo chi tiết, định lượng tới các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố; phát hành bản tin dự báo KTTV đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn, định lượng hơn và đã từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, cực đoan cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tiếp cận nhanh, nắm bắt kịp thời các công nghệ dự báo mới, Phòng Dự báo số và viễn thám cũng rất tích cực, chủ động trong hợp tác quốc tế. Phòng đã tham gia tổ chức và xây dựng nội dung chương trình Hội nghị của WMO tại Hà Nội; tham gia khảo sát và xây dựng đề cương dự án nâng cấp hệ thống trạm và năng lực dự báo của Campuchia. Đồng thời, tổ chức lớp học đào tạo cho các dự báo viên Việt Nam và quốc tế về dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á lần thứ hai vào tháng 12/2019.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng, những kết quả đạt được của Phòng Dự báo số và viễn thám là nhờ sự đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể Phòng. Mặt khác, đội ngũ viên chức của Phòng đều là những người có trình độ cao, được đào tạo cơ bản với 100% có trình độ đại học trở lên, số viên chức có trình độ Thạc sỹ trở lên chiếm 75%. “Lực lượng Tiến sĩ, Thạc sĩ chuyên ngành khí tượng và toán tin được đào tạo ở trong nước và nước ngoài là lực lượng nòng cốt trong việc nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới vào công tác dự báo KTTV, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dự báo phục vụ của đơn vị”, ông Mai Văn Khiêm nói.

Năm 2015 và 2017, Phòng Dự báo số và viễn thám được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen; năm 2016, được Tổng giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia tặng Giấy khen. Hàng năm, Phòng được Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia tặng danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến.

Thanh Tùng