TP Sơn La: Lên phương án bảo vệ môi trường, nguồn nước trước niên vụ nông sản 2022-2023

Môi trường - Ngày đăng : 17:45, 27/07/2022

(TN&MT) - Chiều 26/7, UBND Thành phố Sơn La đã tổ chức Hội nghị thu mua, tiêu thụ cà phê và bảo vệ môi trường, nguồn cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố niên vụ 2022-2023. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới điểm cầu 8 xã, phường có diện tích cà phê và cơ sở chế biến cà phê.
1(2).jpg

Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Văn Trụ phát biểu tại Hội nghị.

Không để xảy ra ô nhiễm niên vụ 2021-2022

Thông tin về công tác bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố, ông Đoàn Xuân Thi, Trưởng phòng TN&MT thành phố cho biết: Niên vụ 2021 - 2022, UBND Thành phố đã chỉ đạo kiên quyết xử lý, không cho phép hoạt động với các cơ sở sơ chế cà phê không đảm bảo xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Đồng thời, đã tổ chức 4 Hội nghị tại các xã, phường Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Sinh, Hua La để tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; ký cam kết với 63 cơ sở đã thực hiện sơ chế, chế biến cà phê những năm trước đó về thực hiện đúng các quy định về môi trường trong trồng, chăm sóc, sơ chế, chế biến cà phê.

Phòng TN&MT thành phố đã phối hợp với UBND xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ trực tiếp xuống 13/13 đơn vị, cơ sở, hộ gia đình dự định sơ chế cà phê niên vụ 2021-2022 để kiểm tra việc thực hiện các quy định về môi trường theo nội dung đã cam kết; triển khai tuyên truyền quy định của nhà nước trong thực hiện sơ chế, chế biến cà phê; thông tin công tác bảo vệ hành lang nguồn nước của Nhà máy cấp nước sinh hoạt thành phố.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố thường xuyên rà soát, nắm bắt địa bàn; đặc biệt với các khu vực nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt Nhà máy cấp nước số 1 thành phố Sơn La; trường hợp phát hiện hộ gia đình, cơ sở có ý định thực hiện sơ chế, chế biến không đủ điều kiện sẽ tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời xử lý vi phạm.

Qua đó, đã kiểm tra, xử phạt 1 trường hợp hộ gia đình sơ chế cà phê kinh doanh không đúng phạm vi trong giấy phép kinh doanh được cấp, không có biện pháp, công trình thu gom, lưu giữ, xử lý, quản lý chất thải theo quy định. Kịp thời phát hiện 3 hộ gia đình tại xã Chiềng Đen đang thực hiện đào hố, lót bạt để chuẩn bị sơ chế cà phê, đã tuyên truyền, quán triệt lại về chủ trương của thành phố không cho phép hoạt động sơ chế cà phê trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt; các hộ gia đình đã nhận thức được hành vi và cam kết không thực hiện sơ chế khi chưa đảm bảo các điều kiện và chưa có sự nhất trí của cơ quan chức năng. Đến hết niên vụ, thành phố không để xảy ra tình trạng ô nhiễm do sơ chế cà phê.

3(1).jpg

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị.

Bàn giải pháp giảm áp lực trong sơ chế, chế biến cà phê

Niên vụ 2022-2023, Thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường rà soát, lập danh sách thống kê làm cơ sở để kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của toàn bộ các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi quy mô trang trại. Yêu cầu và tổ chức cho tất cả các cơ sở ký cam kết với Chủ tịch UBND cấp xã về thực hiện đúng các quy định trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường.

Thông báo, tuyên truyền đến các cơ sở dự kiến sơ chế cà phê niên vụ 2022-2023 không được phép hoạt động khi không đáp ứng đủ các yêu cầu về đăng ký kinh doanh, bảo vệ môi trường...; phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo để không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; có văn bản đăng ký hoạt động, nêu rõ quy mô, công suất hoạt động niên vụ 2022-2023 với UBND cấp xã, phường. Đặc biệt, kiên quyết không để các cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt phát sinh hoạt động chế biến cà phê.

Kết quả rà soát, thành phố có 14 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại và 14 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản đăng ký hoạt động. UBND thành phố đã yêu cầu các cơ sở, hộ gia đình dự kiến sơ chế, chế biến cà phê nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc phạm vi Vùng I (Vùng ô nhiễm nặng), gồm các xã/phường Chiềng An, Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Xôm, Chiềng Lề, Hua La tuyệt đối không thực hiện sơ chế, chế biến cà phê khi chưa đủ điều kiện về sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, thành lập Đoàn Kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn thành phố do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng đoàn.

Tại Hội nghị, đại diện các xã phường đã tập trung thảo luận, nêu rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê gắn với bảo vệ môi trường bền vững, như: Khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cà phê; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước…

2(2).jpg

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 8 xã, phường có diện tích cà phê và cơ sở chế biến cà phê.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Văn Trụ, nhấn mạnh: Quan điểm của thành phố niên vụ 2022-2023 sắp tới, thành phố kiên quyết xử lý, không cho phép hoạt động đối với các cơ sở sơ chế cà phê không đảm bảo xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Song song đó, vẫn phải đảm bảo tiêu thụ hết cà phê cho bà con, với mức giá ổn định theo thị trường.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thu mua, tránh chồng lấn; có định hướng xây dựng vùng cà phê bền vững; công khai giá cả. Giao Phòng Kinh tế thành phố khẩn trương tham mưu thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sơ chế, chế biến cà phê vào Cụm công nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường làm việc với các đơn vị, Doanh nghiệp, HTX có đủ điều kiện trong sơ chế, chế biến cà phê về kế hoạch thu mua, tiêu thụ, sơ chế, chế biến cà phê cho các hộ nông dân trên địa bàn thành phố. Khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến sâu sản phẩm cà phê. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đủ điều kiện về môi trường liên kết, thu mua cà phê đảm bảo đúng tiến độ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp cơ sở trong quản lý, bảo vệ môi trường. Trường hợp để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ hoạt động của các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về môi trường, Chủ cơ sở và Chủ tịch UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND thành phố.

Theo số liệu tổng hợp từ Phòng Kinh tế thành phố, toàn thành phố hiện có gần 5.000 ha cà phê, trong đó 4.940 ha trồng giống catimor và 50 ha cà phê giống mới chất lượng cao. Sản lượng cà phê quả tươi niên vụ 2022-2023 ước đạt trên 50.000 tấn.

Trên địa bàn có 2 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê chủ lực. Trong đó, Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến sơ chế cà phê quả tươi bằng phương pháp ướt, công suất 8.000-10.000 tấn quả tươi/vụ, hoạt động trong khoảng 3 tháng. HTX Cà phê Bích Thao Sơn La sơ chế cà phê theo phương pháp sơ chế khô và sơ chế cà phê mật ong, quy mô nhỏ khoảng 150 tấn/vụ. Ngoài ra, mỗi năm, các đơn vị chế biến khoảng 16.000-20.000 tấn cà phê nhân và 4-6 tấn cà phê bột.

Nguyễn Nga