Phó Thủ tướng đôn đốc 12 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Trong nước - Ngày đăng : 13:33, 27/07/2022
Giải ngân thấp hơn mức bình quân chung cả nước
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 bộ ngành và 4 địa phương Thuộc Tổ công tác số 2 là 24.723 tỷ đồng (8 bộ ngành, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 2 gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các địa phương gồm: Thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu).
Đến nay các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã cơ bản hoàn thành phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án, chỉ còn một số đơn vị chưa phân bổ chi tiết.
Về giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tổng số giải ngân vốn NSNN của 8 bộ ngành, cơ quan Trung ương đến hết tháng 7/2022 là 424,263 tỷ đồng, đạt 12,2% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước.
Đối với 4 địa phương Tây Nam Bộ, tổng số vốn NSNN đã giải ngân tính đến 30/6 là 5.225,353 tỷ đồng, đạt 23,5%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt 21,3%; nguồn vốn ODA giải ngân đạt 6,1%, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 27,6%. Ước giải ngân 7 tháng của 4 địa phương đến 30/7 khoảng 6.968,94 tỷ đồng, đạt 31,9% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 34,47%.
Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế
Theo tổng hợp từ báo cáo, các khó khăn vướng mắc là do: Giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; đối với các dự án khởi công mới, nhiều công trình đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng. Một số dự án được bố trí nhiều vốn để đền bù giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ rất chậm; các dự án cũng gặp một số vướng mắc liên quan đến thể chế;…
Báo cáo nêu rõ, bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là do công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế; công tác chuẩn bị dự án chất lượng thấp nên vướng mắc khi triển khai; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm.
Bên cạnh đó, các đơn vị, bộ, ngành (thuộc Tổ số 2) còn thiếu cán bộ chuyên môn về xây dựng. Do nhiệm vụ đầu tư xây dựng và kế hoạch đầu tư hằng năm không lớn nên bộ máy giúp việc cho Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư là kiêm nhiệm; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực…
Báo cáo nhấn mạnh, việc giải ngân chậm là do nhiều nguyên nhân, mỗi bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân chung của cả nước. Do đó, các cơ quan đơn vị phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, nên phải nhanh, hiệu quả và đảm bảo đúng pháp luật.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả giải ngân
Về giải pháp trong thời gian tới, báo cáo đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo thực hiện thật tốt công tác giải phóng mặt bằng.
Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị với kết quả giải ngân; tiếp tục xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện việc giao ban định kỳ hằng tháng về giải ngân vốn đầu tư công để phát hiện các tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc;…
Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.
Xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, đôn đốc tiến độ
Yêu cầu các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, công trình để phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ.
Các chủ đầu tư phải làm việc với từng nhà thầu, đề nghị nhà thầu cam kết về tiến độ cũng như đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công, vật tư… phục vụ việc hoàn thành gói thầu.
Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, thành phố về tiến độ giải ngân trong trường hợp không đạt tỉ lệ giải ngân theo tiến độ đề ra.
Các chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Khẩn trương nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán gửi cơ quan kiểm soát chi, không để dồn vào cuối năm.
Tiền có sẵn trong két mà không tiêu được thì đâu có được
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương phân tích thẳng vào vấn đề, xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, các nút thắt để đề xuất các giải pháp tháo gỡ hiệu quả;…
"Tiền của quốc gia, có sẵn trong két rồi mà các đồng chí không tiêu được thì đâu có được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, các bộ ngành, địa phương bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với những nội dung đã nêu trong báo cáo, đồng thời giải trình, làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, qua đó các bộ ngành, địa phương đề xuất về sửa đổi một số quy định hiện hành; tăng cường công tác phối hợp, phân cấp, phân quyền trong triển khai dự án; điều chỉnh đối với một số dự án;… cam kết sẽ nỗ lực triển khai giải ngân theo kế hoạch đề ra.
Đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp cũng giải đáp một số vấn đề các đơn vị, bộ ngành, địa phương kiến nghị liên quan đến đầu tư công.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, 12 cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng để giải ngân theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cơ bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân vẫn chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước.
Về phân bổ vốn, có 9/12 đơn vị đã phân bổ 100% vốn (còn 8,5% tổng số vốn chưa được phân bổ hết). Về giải ngân, trong số 12 bộ ngành, địa phương, có hai địa phương giải ngân cao hơn mức bình quân chung cả nước là Bạc Liêu và Kiên Giang. Nhưng nhìn chung, cả việc phân bổ vlẫn việc giải ngân vốn đầu tư công của đa số các cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 chưa đạt yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công; trong quá trình triển khai thực hiện cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Đồng thời, phải tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, gắn với kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm trong quá trình giải ngân. Đối với các dự án không thể giải ngân hết thì đề xuất điều chuyển vốn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến đề hoàn thiện báo cáo./.