Hải Dương thi hành Luật Đất đai 2013: Hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 16:27, 26/07/2022

(TN&MT) - Xác định công tác quản lý Nhà nước về đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp để thi hành hiệu quả Luật Đất đai 2013. Đến nay, đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đẩy mạnh giao đất, cho thuê đất

Để triển khai Luật Đất đai 2013, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì triển khai tuyên truyền các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện, đảm bảo nhu cầu sử dụng đất của các lĩnh vực, các ngành, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực từ đất đai; tạo hành lang pháp lý thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai theo quy hoạch, đặc biệt là công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án.

Công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm hạn chế tối đa việc khiếu nại, khiếu kiện sau thu hồi đất. Kết quả, đã thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng với tổng diện tích trên 2.000ha đất nông nghiệp; thu hồi 3,9ha đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi hơn 389ha đất do chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai, ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ghi nhận, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo thành hệ thống pháp luật đất đai tương đối đầy đủ, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế và xu thế hội nhập quốc tế. Pháp luật đất đai đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý và sử dụng đất đai, là cơ sở pháp lý giải quyết các quan hệ về đất đai, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

t4.jpg
Một góc thành phố Hải Dương

Đề xuất một số nội dung cần sửa đổi

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật Đất đai tại tỉnh Hải Dương còn gặp một số vướng mắc. Tổng hợp ý kiến toàn ngành tại Hải Dương, ông Vũ Anh Dũng - Trưởng phòng Quản lý đất đai Sở TN&MT cho biết, quá trình thực hiện theo quy định, những công trình, dự án cần thu hồi đất theo Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 phải được ghi vốn thực hiện trong năm kế hoạch (đối với các dự án sử dụng từ vốn ngân sách Nhà nước); có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án còn lại. Thực tế thì kỳ họp HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cuối năm mới phân bổ vốn đầu tư cho các công trình, dự án năm sau.

Tuy nhiên, tại Điểm a, Khoản 6, Điều 9 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5, Điều 1, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020, quy định: “Quý III hàng năm, UBND cấp huyện gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của năm sau đến Sở TN&MT để tổ chức thẩm định;”. Như vậy, các công trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện không thể đáp ứng quy định này. Đồng thời, các công trình, dự án sử dụng các nguồn vốn khác nếu chốt thời hạn là quý III hằng năm thì những công trình dự án cấp bách được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư sau quý III sẽ không được đưa vào kế hoạch sử dụng đất, không đủ điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong năm sau. Điều này dẫn tới hệ lụy không thu hút được nhà đầu tư vì vướng các quy định về thời gian lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Về hạn mức nhận chuyển nhượng, theo quy định tại Điều 130 Luật Đất đai; Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, tổng diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được không quá 10 lần hạn mức giao đất của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cao nhất (không vượt quá 30ha). Hạn mức này làm hạn chế khả năng đầu tư của nhiều hộ gia đình, cá nhân.

Từ năm 2014 đến nay, Hải Dương đã phát hiện, chấn chỉnh nhiều hành vi, vi phạm về sử dụng đất không đúng mục đích; cho thuê đất, tài sản gắn liền với đất trái pháp luật; không đưa đất vào sử dụng; chiếm đất; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai… Đã kiến nghị xử lý vi phạm 28 doanh nghiệp, tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng; thu hồi đất của 12 đơn vị.

Mặt khác, pháp luật đất đai không quy định trường hợp tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh Hải Dương đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số quy định về quyền của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo hướng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa đối với trường hợp để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hàng hóa hoặc để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đề xuất nâng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên tối thiểu 2 lần so với hạn mức quy định hiện hành. Đối với khu vực đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất và cho thuê đất đối với các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tỉnh Hải Dương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định còn thiếu, chưa đồng bộ của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu… sớm ban hành các văn bản hướng dẫn còn thiếu để địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện.

Phạm Duy