Hai sự kiện khoa học về vật lý thiên văn thu hút 100 nhà khoa học cùng học sinh ưu tú

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 22:28, 25/07/2022

Sáng 25/7, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Hòa (ICISE, khu đô thị khoa học Quy Hòa, TP. Quy Nhơn, Bình Định), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tiếp tục khai mạc hai Hội thảo khoa học quốc tế về lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ học.

Hai Hội thảo có tiêu đề: Vũ trụ vàng - Vật lý thiên văn hạt nhân và tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin; Vật lý thiên văn SAGI 2022– Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi.

20220725_093109.jpg
 Quang cảnh hai Hội thảo vật lý thiên văn 

Tham dự Hội thảo, có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cùng 100 nhà khoa học trong nước, thế giới cùng các học sinh ưu tú trong ngành vật lý tại các trường chuyên Bình Định.

khoa_hoc_1_1-1658732900106.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, là một nước đang phát triển, với nguồn lực rất hạn chế, Việt Nam vẫn luôn coi trọng và đầu tư các hoạt động nghiên cứu cơ bản. Đến nay, phần lớn kết quả nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đã được công bố theo thông lệ quốc tế, rất nhiều kết quả đã vượt qua các đánh giá phản biện quốc tế độc lập khắc khe, có cạnh tranh cao để được đăng tải trên những Tạp chí khoa học uy tín thế giới. Đến năm 2021 đã vươn lên vị trí 45, vào tốp 50 thế giới với 18.381 bài báo được công bố.

20220725_093248.jpg
 Hai Hội thảo thu hút hàng trăm nhà khoa học và học sinh ưu tú ngành vật lý tham dự 

“Nhân sự kiện ngày hôm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ xin được gửi lời cảm ơn tới Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định và cá nhân giáo sư Trần Thanh Vân đã nỗ lực, chung tay xây dựng cộng đồng khoa học Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hội nhập quốc tế. Xin được chào mừng và mong muốn thường xuyên được gặp gỡ, trao đổi các nhà khoa học trong và ngoài nước tại các sự kiện khoa học vô cùng ý nghĩa tại Trung tâm ICISE”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

20220725_093350.jpg
 Chũ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long chúc mừng sự kiện 

Tại Hội thảo, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã giới thiệu sơ bộ nội dung mà các nhà khoa học quốc tế, trong nước trao đổi tại hai Hội thảo khoa học trên. Trong đó, tại Hội thảo “Vũ trụ vàng: Vật lý thiên văn hạt nhân & Tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin” thu hút 31 nhà khoa học đến từ 11 quốc gia trên thế giới, trong đó có 4 nhà khoa học người Việt Nam và các nước Pháp, Anh, CH Séc, Đức, Ý, Iran, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia.

Qua đó, các nhà khoa học sẽ tập trung làm rõ những nghiên cứu, phát hiện mới về nguồn gốc các nguyên tố nặng như vàng; mối liên hệ giữa các nguyên tố, vật chất trong vũ trụ đối với trái đất và sự sống con người ở trái đất và sự tương tác giữa tia vũ trụ với bầu khí quyển của trái đất tạo ra “mưa vũ trụ”.

20220725_094550.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền tuyên bố khởi động nhóm Vật lý thiên văn SAGI

Hội thảo “Vật lý thiên văn SAGI 2022 – Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi” thu hút 32 nhà khoa học đến từ 7 quốc gia, trong đó có 18 người Việt Nam còn lại đến từ Anh, Bangladesh, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hội thảo này tập trung bàn luận, làm rõ khái niệm “con mắt thứ 3 của loài người” (parimetry) nhìn vào vũ trụ bên cạnh trắc quang, quang phổ. Điều này, giúp cho ngành vật lý thiên văn trong tương lai mở rộng biên giới mới để khám phá vũ trụ chính xác hơn.

20220725_100413.jpg
 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tặng hoa cho nhóm Vật lý thiên văn SAGI

Đặc biệt, dịp này, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền tuyên bố khởi động nhóm Vật lý thiên văn SAGI tại ICISE do Quỹ Simons, Mỹ tài trợ. SAGI có sự tham dự của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền cùng với hai cộng sự của ông là Tiến sĩ Nguyễn Lương Quang (đang công tác tại Pháp) và Tiến sĩ Hoàng Chí Thiêm (đang công tác tại Hàn Quốc). Nhóm SAGI hợp tác với Trung tâm khám phá khoa học Quy Hòa nơi đặt đài quan sát vũ trụ để cùng làm việc. Đây là nhóm nghiên cứu vật lý thiên văn đầu tiên được thành lập tại Bình Định.

Mỹ Bình