Đông Anh - Hà Nội: Trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên tồn tại

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:48, 22/07/2022

(TN&MT) - Nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Thành phố thông minh. Tuy nhiên, nhiều năm qua trạm trộn bê tông không phép nằm trên địa bàn thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.
a232.jpg
Trạm trộn bê tông không phép nằm trên địa bàn thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội tồn tại đến bao giờ?

Năm 2005, Dự án đường 5 kéo dài được khởi công, để thuận lợi cho công tác thi công đơn vị triển khai dự án đã liên hệ với người dân thôn Phương Trạch thuê lại đất nông nghiệp để lắp đặt trạm trộn bê tông. Đến năm 2008 dự án đường 5 kéo dài đoạn qua xã Vĩnh Ngọc cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên theo người dân nơi đây cho biết, thay vì bàn giao lại đất cho địa phương quản lý, đơn vị này lại tiếp tục duy trì hoạt động của trạm bê tông.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, tình trạng vật liệu xây dựng cát, sỏi, đá, xi măng… chất cao từng đống lớn, nhỏ, kế bên là các xe ô tô, xe bồn chuyên dụng vận chuyển bê tông thương phẩm. Điều đặc biệt, Trạm trộn bê tông được xây dựng gần khu dân cư, hoạt động suốt ngày đêm khiến tình trạng bụi bẩn, ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, cũng như người tham gia giao thông.

Bên cạnh bụi bẩn, ô nhiễm thì tiếng ồn, tiếng gầm rú của máy móc, phương tiện khi trạm trộn bê tông hoạt động đang là thực trạng diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên địa bàn thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc. Không chỉ có vậy các tuyến đường xung quanh trạm trộn dẫn ra Quốc lộ 5 kéo dài… cũng bị cày xới nham nhở, xuống cấp nghiêm trọng bởi các xe ô tô trọng tải lớn chở vật liệu, bê tông đi qua.

a234.jpg
Không hiểu vì sao trạm trộn bê tông trái phép hoạt động từ 2008 đến nay vẫn vô tư hoạt động, không được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý dứt điểm?

Thực tế cho thấy, nếu trạm trộn bê tông này còn hoạt động sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, tiềm ẩn mất an toàn giao thông.  Thế nhưng, không hiểu vì sao trạm trộn bê tông trái phép kể trên cho đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại, không được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi đây xử lý dứt điểm.

Ông Hoàng Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh cho biết: Phản ánh của người dân, cơ quan báo chí về hoạt động của đơn vị sản xuất bê tông tại xứ đồng Đầu Bát, thôn Phương Trạch là đúng thực tế. Mặc dù đã tổ chức thi công xong Dự án đường 5 kéo dài, nhưng Công ty B85 khi đó không trao trả lại mặt bằng đất nông nghiệp cho người dân địa phương mà tự ý chuyển nhượng cho một đơn vị khác chuyên sản xuất bê tông cung cấp cho thị trường huyện Đông Anh và rộng hơn là địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo ông Minh, hành vi vi phạm trên là cố ý sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, UBND xã Vĩnh Ngọc đã báo cáo sự việc lên UBND huyện Đông Anh để nắm bắt, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương lập kế hoạch xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật.

a233.jpg
Đề nghị UBND huyện Đông Anh, các phòng ban chuyên môn cần vào cuộc kiểm tra, xử lý và cưỡng chế di dời trạm trộn bê tông không phép

Cụ thể, sau khi có ý kiến của người dân, cơ quan báo chí ngày 15/7/2016, Huyện ủy Đông Anh có Văn bản số 160-CV/HU yêu cầu UBND huyện báo cáo công tác xử lý các công trình vi phạm hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc. Huyện ủy Đông Anh cũng yêu cầu UBND huyện quyết liệt chỉ đạo UBND xã Vĩnh Ngọc cùng các phòng chuyên môn vào cuộc xử lý vi phạm trên.

Ông Minh cho biết thêm, thông qua các buổi kiểm tra của cán bộ địa chính, xây dựng, xã Vĩnh Ngọc có thể khẳng định đơn vị hiện nay đang sản xuất bê tông trái phép tại thôn Phương Trạch là Công ty Cổ phần sản xuất bê tông Chèm 19. Đối với vấn đề này chính quyền xã đã nhiều lần gửi giấy mời doanh nghiệp đến làm việc, đôn đốc, vận động. 

Tuy vậy, tính đến thời điểm này trạm trộn bê tông thuộc Công ty Cổ phần sản xuất bê tông Chèm 19 vẫn ngang nhiên tổ chức hoạt động. Để có hướng xử lý dứt điểm vi phạm UBND xã đã báo cáo vụ việc lên cơ quan cấp trên và xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Đông Anh.

Vụ việc đã kéo dài nhiều năm, đề nghị UBND huyện Đông Anh, các phòng ban chuyên môn cần vào cuộc kiểm tra, xử lý và cưỡng chế di dời trạm trộn bê tông không phép, có như vậy người dân mới không còn bức xúc.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

Huy An