Đắk Nông thúc tiến độ khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành: Đồng bộ các giải pháp

Tài nguyên - Ngày đăng : 10:14, 21/07/2022

(TN&MT) - Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm khởi công Dự án. Trong đó, công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân nhằm nhanh chóng giải phóng mặt bằng được các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả.

Người dân đồng thuận

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, mới đây, tại các buổi tiếp xúc cử tri, gặp gỡ những hộ dân trong vùng Dự án, các hộ dân bị ảnh hưởng đã có nhiều ý kiến xung quanh Dự án. Đại đa số người dân đều đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương đầu tư Dự án. Tuy nhiên, người dân cũng nêu vấn đề, khi tiến hành giải phóng mặt bằng cần thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch và nhất là bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân. Khu tái định cư phải xây dựng hoàn chỉnh trước khi di dời người dân. Hệ thống đường gom, hầm chui dân sinh cần bố trí, thiết kế hợp lý, tạo thuận lợi cho việc đi lại từ lúc thi công tới khi hoàn thành Dự án.

Theo ông Lê Văn Dũng (trú tại thôn Quảng Lợi, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk RLấp, Đắk Nông) - người dân có hơn 1ha đất trồng cây nông nghiệp bị ảnh hưởng khi tuyến đường cao tốc đi ngang qua: “Gia đình tôi rất ủng hộ và chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước và sẽ phối hợp để sớm bàn giao mặt bằng phục vụ Dự án. Bản thân tôi rất vui khi biết thông tin có đường cao tốc đi ngang qua vì tương lai việc đi lại sẽ được thuận tiện, từ đó chúng tôi và những người dân sẽ được hưởng lợi nhiều. Song, tôi và nhiều người dân khác mong muốn việc triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng phải rõ ràng, phù hợp để người dân có niềm tin mà đồng lòng”.

du-an-duong-cao-toc.jpg

Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ tạo động lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội.

Từ thực tế trên cho thấy, công tác tuyên truyền sẽ giúp người dân nắm rõ chủ trương, ý nghĩa của Dự án trọng điểm quốc gia này. Trong đó, nhiệm vụ cốt lõi là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu đầu tư Dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ trách nhiệm. Người đứng đầu chính quyền địa phương có tuyến cao tốc đi qua chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, bảo đảm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ phục vụ Dự án.

Nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý

Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 140km; đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông (38km từ Gia Nghĩa đến ranh giới 2 tỉnh Đắk Nông - Bình Phước), tỉnh Bình Phước (102km từ ranh giới 2 tỉnh Đắk Nông - Bình Phước đến Chơn Thành); điểm đầu tại khu vực TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, kết nối với điểm đầu của cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh) và điểm cuối của cao tốc TP.HCM - Chơn Thành. Trong đó, huyện Đắk Rlấp là địa phương có diện tích đất mà đường cao tốc đi qua lớn nhất với tổng chiều dài hơn 31km, khoảng 590 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích thu hồi khoảng 383ha. Đến nay, huyện Đắk Rlấp đã triển khai rà soát 177 cọc tim tuyến quy hoạch xây dựng cao tốc đi qua địa bàn 6 xã và phục hồi lại các cọc mốc đã bị mất, vận động người dân bảo vệ cột mốc, giữ nguyên hiện trạng đất và tài sản trên đất. Huyện Đắk Rlấp đã công bố quy hoạch tại 6 xã có cao tốc đi qua.

Theo ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là dự án cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông. Do đó, để có đầy đủ căn cứ pháp lý, ông Lê Trọng Yên đề nghị các địa phương có đường cao tốc đi qua sớm hoàn thành bản đồ đo đạc địa chính ngay trong khu vực tim tuyến đã được bàn giao, xác định chủ sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, phạm vi ảnh hưởng, bổ sung quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất 2022. Ông Lê Trọng Yên cũng yêu cầu các sở, ngành phối hợp tích cực với các huyện, thành phố, nhà đầu tư thường xuyên trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Định kỳ hàng tháng, Ban Chỉ đạo sẽ họp, kiểm tra, đánh giá các phần việc có liên quan, tạo mọi điều kiện tốt nhất để Dự án sớm khởi công, chậm nhất là vào cuối năm nay.

Phạm Hoài