Lạng Sơn: Kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 09:22, 21/07/2022

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường, lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chỉ số về môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Duy trì quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường

Chi Lăng là địa phương nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng Sơn. Theo đánh giá từ UBND huyện, hiện nay, các nguồn gây ô nhiễm chính đến từ tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ và việc đô thị hóa nhanh chóng, các hoạt động sản xuất công nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản; song quy mô không lớn, tính chất và các tác động chưa đến mức quá nghiêm trọng. Ngoài ra, còn các khí phát sinh từ giao thông, bụi, hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản.

Trước thực trạng đó, UBND huyện đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh; duy trì quan trắc hiện trạng môi trường trong khu vực khai thác khoáng sản tại 4 địa điểm hiện đang có hoạt động khai thác khoáng sản gồm: Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH đá Thượng Thành tại thôn Lạng Nắc, xã Mai Sao; khu vực mỏ đá của Công ty cổ phần đá Đồng Mỏ tại khu Đoàn Kết, thị trấn Đồng Mỏ; khu vực mỏ đá của Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành tại thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng và khu vực mỏ sét của Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành tại thôn Xóm Ná, thị trấn Chi Lăng. Qua kết quả quan trắc, đều chưa ghi nhận được chỉ tiêu vượt quy chuẩn môi trường.

a-2-mt.jpg

Quan trắc môi trường tại Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ.

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có 61 dự án khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, thủy điện, chủ yếu là khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 7 dự án sản xuất gạch nung theo công nghệ tuynel di động và 5 dự án thủy điện đang hoạt động. Các dự án đã có thủ tục, hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định.

Hằng năm, tỉnh đã duy trì quan trắc chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, nước mặt lục địa, nước dưới đất, đất, trầm tích… với 2 đợt quan trắc, tổng số điểm quan trắc là 163 điểm trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Số liệu quan trắc môi trường được theo dõi hằng năm để so sánh, phân tích, đánh giá các thành phần môi trường kịp thời phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Tăng cường giám sát các cơ sở phát thải lớn

Cùng với đó, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các khu vực ô nhiễm môi trường tồn lưu phát sinh do UBND tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh có 16 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để 13 cơ sở và 2 cơ sở đã điều tra lấy mẫu quan trắc đánh giá không còn bị ô nhiễm.

Về phía khu, cụm công nghiệp, hiện có 1 Khu công nghiệp Đồng Bành gồm 1 dự án đi vào hoạt động là dự án Nhà máy xi măng Đồng Bành đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng đạt quy chuẩn môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung cho cả khu công nghiệp.

Ngoài ra, có 1 cơ sở có nguồn nước thải lớn là Công ty than Na Dương - VVMI, với lưu lượng 5.200m3/ngày; khí thải đến từ các dự án: Nhà máy Nhiệt điện Na Dương của Công ty Nhiệt điện Na Dương - KTV; Nhà máy Xi măng Hồng Phong; Nhà máy Xi măng Đồng Bành…

3 cơ sở sản xuất liên quan đến hóa chất gồm sản xuất chì thỏi và chì nguyên chất của Công ty cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ; dự án xây dựng xưởng sản xuất hợp kim và hợp chất kim loại của Công ty TNHH Công nghệ luyện kim Vicmet Việt Nam; dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất muối công nghiệp” của Công ty cổ phần Kim Đạt.

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, với các cơ sở phát sinh nguồn thải lớn, Sở đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị. Năm 2021, đã tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính 12 tổ chức, cá nhân, với số tiền phạt gần 800 triệu đồng.

Tuy nhiên, do Lạng Sơn là một tỉnh miền núi đang trong giai đoạn phát triển, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đầu tư là cần thiết nên kéo theo nhiều áp lực đến môi trường. Các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nguồn lực tập trung cho máy móc, thiết bị sản xuất, việc đầu tư công nghệ xử lý chất thải còn hạn chế, trong khi kinh phí dành cho hoạt động bảo vệ môi trường là khá lớn. Hiện, tỉnh mới đầu tư được 1 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại thành phố Lạng Sơn, phần lớn nước thải sinh hoạt khu vực đô thị loại IV, loại V chưa được xử lý đáp ứng quy định về xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường, nguồn tiếp nhận chủ yếu là sông, suối, ao hồ... là một trong những tác nhân gây hiện tượng bị ô nhiễm Suối Lao Ly, hồ Phai Loạn... Các khu, cụm công nghiệp cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn khu vực.

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định về môi trường với các dự án đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, công nghệ sạch vào các khu, cụm công nghiệp. Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì thực hiện hệ thống quan trắc, giám sát môi trường để phát hiện kịp thời các điểm ô nhiễm, có phương án khắc phục, xử lý. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền gắn với kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại.

Hoàng Nghĩa