Thừa Thiên - Huế: Đảm bảo khai thác, bảo vệ bền vững an ninh nguồn nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:16, 21/07/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã có nhiều giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, nâng cao chất lượng an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ môi trường. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để rõ hơn về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết, tình hình an ninh nguồn nước ở Thừa Thiên - Huế hiện nay ra sao?

Ông Phan Quý Phương: Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế... nhưng công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.

Tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ban hành các văn bản về thực hiện chính sách giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi... nhằm phù hợp với quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đến nay các chương trình, đề án, dự án cơ bản đã thực hiện theo lộ trình của quy hoạch đề ra.

hue-1-1-.jpg
ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 công trình thủy lợi bao gồm 56 hồ chứa nước, 13 hồ thủy điện (tổng dung tích các hồ thủy lợi, thủy điện khoảng 2.000 triệu m3) và các hồ nhỏ vùng cát khác; 215 đập dâng; trên 480 trạm bơm điện và trạm bơm dầu; hơn 1.802 km kênh mương (đã kiên cố khoảng 1.350km); 181km đê biển và 174 cống lớn nhỏ trên đê ven đầm phá... để phục vụ tưới tiêu cho hơn 60.800ha/năm; 23 công trình cấp nước sinh hoạt với lưu lượng đã cấp phép 84.455.990m3/năm; 2 công trình khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất với lưu lượng đã cấp phép 2.062.250m3/năm và 5 công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh lưu lượng đã cấp phép 773.070m3/năm.

PV: Tỉnh đã triển khai những giải pháp gì trong công tác bảo vệ an ninh nguồn nước?

Ông Phan Quý Phương: Tại Thừa Thiên - Huế, nhờ chủ động được nguồn nước từ các hồ chứa nước kết hợp với các cống, đập dâng thủy lợi ở khu vực hạ du như đập Thảo Long, Cửa Lác, cống Quan, cống An Xuân... đã đảm nhiệm được nhiệm vụ cấp nước cho dân sinh, phục vụ tưới, tiêu cho lúa, hoa màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Các công trình thủy lợi trên địa bàn được quản lý, vận hành đa chức năng, vừa thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời tham gia điều tiết nguồn nước phòng chống giảm nhẹ thiên tai và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và hệ thống thủy lợi nội đồng hiện có đang phát huy tốt hiệu quả năng lực so với thiết kế ban đầu, đảm bảo diện tích tưới tiêu đạt trên 95% tổng diện tích, trong đó số diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã áp dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2017 - 2020 đạt khoảng 0,26%.

Hằng năm, Thừa Thiên - Huế thực hiện gần 60 điểm quan trắc môi trường nước mặt trên các sông, hồ và 19 điểm quan trắc nước dưới đất ở tất cả các huyện, thị, thành phố.

Nhằm bảo vệ nguồn nước, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3559/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh”, ban hành danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và hằng năm sẽ tiến hành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chứa thủy điện và bàn giao cho UBND cấp xã có liên quan để quản lý, bảo vệ.

PV: Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh nguồn nước, tỉnh có kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?

Ông Phan Quý Phương:

Trước tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tỉnh đề nghị các cấp quan tâm đề xuất hỗ trợ nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi hiện có, đầu tư nâng cấp, kiên cố và tiến tới hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, nhằm chuyển dịch mạnh mẽ đối tượng phục vụ của thủy lợi từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần (trọng tâm là cây lúa) sang phục vụ đa mục tiêu, ưu tiên phục vụ cấp nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp (sản xuất lúa, rau màu, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản); phục vụ cấp nước cho sản xuất công nghiệp; chủ động ứng phó, phòng, chống, thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp.

hue-2-1-.jpg

Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đang phát huy tốt hiệu quả.

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước và các văn bản dưới Luật; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước từ Trung ương đến địa phương theo hướng phân cấp tối đa cho địa phương, phân định rõ trách nhiệm, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của địa phương trong quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên nguyên tắc tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy)...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Văn Dinh (thực hiện)