Quản lý môi trường 20 năm nhìn lại: Tiến bộ vượt bậc trong kiểm soát ô nhiễm
Môi trường - Ngày đăng : 09:15, 21/07/2022
Triển khai nhiều hoạt động
Để quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường đạt hiệu quả cao, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan duy trì và phát triển hoạt động quan trắc môi trường ở cả Trung ương và địa phương, trong đó, tập trung trọng tâm vào các đô thị, lưu vực sông chính, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp (KCN), dự án khai thác bauxit và thủy điện. Cùng với đó, các điểm nóng môi trường, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được theo dõi thường xuyên, liên tục… thông qua hệ thống Đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương với hơn 2.500 thông tin phản ánh đã được tiếp nhận và xử lý; 12 Tổ giám sát thường xuyên và hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường được xây dựng và phát triển đồng bộ với 1.234 trạm quan trắc (gồm 276 trạm quan trắc môi trường xung quanh và 959 trạm quan trắc phát thải tự động, liên tục) đã truyền số liệu về Bộ TN&MT thông qua phần mềm Quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động để triển khai trong phạm vi toàn quốc (EnviSoft) do Tổng cục Môi trường xây dựng và phát triển.
Đặc biệt từ năm 2017, các hoạt động thanh tra được tập trung vào các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200m3/ngày - đêm trở lên, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đặc biệt là vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường, bước đầu đã tạo được dư luận tốt trong cộng đồng. Một số công ty đã từng gây ra các sự cố môi trường đã khắc phục được hậu quả. Đơn cử như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục xong các hành vi vi phạm hành chính về BVMT; đồng thời đã hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình BVMT theo kế hoạch đã được Bộ TN&MT phê duyệt; Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo đã cơ bản hoàn thành các yêu cầu như nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải; lót chống thấm các hồ PSRP, ROM-SP; lắp đặt các trạm quan trắc nước thải, không khí xung quanh tự động, liên tục; hoàn thành các yêu cầu, thủ tục, hồ sơ về tài nguyên nước, cải tạo phục hồi môi trường; Các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tằng Loỏng đều tích cực khắc phục các vi phạm và tồn tại.
Có thể nhận thấy, hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường KCN, cụm công nghiệp (CCN) đã có những tiến bộ vượt bậc. Kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT cho thấy, tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT có xu hướng giảm đáng kể, đến năm 2021 giảm 2,2 lần so với năm 2015. Đến nay, 91% các KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung; thu gom, xử lý 96,28% chất thải rắn khu vực đô thị, 90% chất thải nguy hại; tỷ lệ chất thải được tái chế liên tục tăng.
Công tác quản lý chất thải (sinh hoạt, nguy hại, nước thải đô thị, nông thôn…) được triển khai đồng bộ, có lộ trình phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, tái chế liên tục tăng; tỷ lệ phải chôn lấp giảm; chất thải nguy hại được kiểm soát, quản lý tốt hơn. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đã đạt 12%, tăng khoảng 5% so với năm 2010. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý cũng được tăng lên, tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85,5% (năm 2010 tỷ lệ này là 82%, năm 2015 xấp xỉ 85%), tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 55% (giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 40%). Chất thải nguy hại đã được quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý.
Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Bên cạnh việc kiểm soát các điểm nóng ô nhiễm, trong những năm qua, ngành TN&MT đã tập trung đẩy mạnh cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; cải tạo, phục hồi môi trường nước lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình phát triển đô thị, làng nghề và KCN; cải tạo, phục hồi môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật, PCB và dioxin gây ra.
Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 đề án BVMT lưu vực sông: Sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai. Đến nay, đã có 22/22 tỉnh, thành phố trên 3 lưu vực sông đã phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tại mỗi tỉnh, thành phố; 16/16 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn. Đồng thời, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ trong BVMT và bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với 1 Luật, 8 Nghị định, 14 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 17 Thông tư, 12 QCVN, 11 TCVN được xây dựng và ban hành; trong đó nổi bật là trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Kết quả sau 15 năm, 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật được xử lý hoàn toàn; hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu được phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ; 262 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, 53 bãi rác, 21 kho thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 85% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; hiện trạng tồn lưu dioxin tại các vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề cơ bản đều đã về ngưỡng an toàn. Đặc biệt đã đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách các điểm nóng dioxin cần xử lý ngay tại Việt Nam; triển khai đúng tiến độ việc xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa.
Môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại một số địa bàn trọng điểm như: khai thác than tại Quảng Ninh, khai thác đá ở Bình Dương, Đồng Nai,... đã được giảm thiểu một cách đáng kể. Nhiều mỏ sau khai thác được cải tạo, phục hồi môi trường thành các khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái hoặc phục hồi lại đất để trồng cây (Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Dương,...).
Đồng thời, Bộ TN&MT đã thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước về BVMT tại các lưu vực sông, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn thải vào lưu vực sông; tổ chức điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của các dòng chính sông liên tỉnh; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương đánh giá khả năng chịu tải và xây dựng Kế hoạch Quản lý chất lượng nước đối với dòng chính sông Cầu, Nhuệ - Đáy và Đồng Nai - Sài Gòn, làm cơ sở để xem xét cấp phép môi trường cho các dự án đầu tư, thực hiện các mục tiêu, lộ trình giảm tải lượng ô nhiễm vào các dòng sông nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước… Đồng thời, hỗ trợ làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hoàn thiện hành lang pháp lý để BVMT làng nghề, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật xử lý chất thải; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường làng nghề trong cả nước; tích cực đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới…