Phần lớn hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch
Xã hội - Ngày đăng : 08:51, 21/07/2022
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí tối thiểu 75 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021- 2022 đã đạt được một số kết quả nhất định.
Về ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành đúng tiến độ; các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của các bộ cơ bản hoàn thành quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương hiện đang triển khai xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình.
Về giao vốn thực hiện Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về phạm vi, đối tượng phân bổ vốn của các dự án thành phần thuộc Chương trình, làm cơ sở cho các địa phương tiến hành các thủ tục giao vốn thực hiện Chương trình. Các địa phương đã và đang trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt phương án phân bổ vốn để thực hiện Chương trình.
Như vậy, hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững, góp phần hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Chính sách hỗ trợ được triển khai đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực không bị giãn cách xã hội, góp phần giải quyết những khó khăn, tác động của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng chỉ ra rằng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình. Cụ thể: Nguồn vốn sự nghiệp trung ương chưa được xác định theo kế hoạch trung hạn hoặc xác định mức trần hằng năm nên các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí thực hiện. Nguồn vốn sự nghiệp được bố trí thực hiện Chương trình năm 2022 thấp.
Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo và công tác giảm nghèo.
Về mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ, mục tiêu của Chương trình là: Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,2%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế thực hiện Chương trình; đồng thời, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai dự toán ngân sách 5 năm và năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ vốn năm 2023 thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, vận động, huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo đã đề ra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, trong đó, tập trung vào phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; hiệu quả thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo.
Đồng thời, xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình; hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Tham mưu Ban Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát động và tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.