Quảng Ngãi: Người dân phản đối Nhà máy VNT19 xả thải ra vịnh Việt Thanh

Tiếng dân - Ngày đăng : 14:41, 20/07/2022

(TN&MT) - Trong lá đơn phản đối việc xả thải ra của nhà máy giấy VNT19, người dân làng thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thiết tha đề nghị các cấp chính quyền hãy bảo vệ môi trường. Bản thân họ, dù phải đánh đổi tính mạng cũng không chấp nhận xả thải ra vịnh Việt Thanh.

Nỗi lo “chặn đường” mưu sinh

Những ngày này khi về vùng biển thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đi đâu cũng nghe câu chuyện về Nhà máy Bột - Giấy VNT19 khi đi vào hoạt động sẽ xả thải ra vịnh Việt Thanh. Trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió là ánh mắt lo lâu của bà Nguyễn Thị Nhạn khi nghĩ đến chuyện mưu sinh những ngày tới khi mà nhà máy giấy sẽ xả thải ra vịnh Việt Thanh. Bà Nhàn kể, gia đình bà đã 30 năm gắn bó với nghề biển, chỉ trông chờ vào con cá, con tôm… nuôi sống cả nhà. Mùa này ở đây bà con làm nghề mực đuổi nên cũng có thu nhập khá, chính vì vậy, việc xả thải ra vịnh Việt Thanh không nhận được sự ủng hộ của ngư dân thôn Lệ Thủy.

“Nước Nhà máy giấy thải ra là sợ độc hại, nên tôi không đồng ý xả thải ra đây, bà con sống nhờ con cá, con tôm ở vùng biển này mà nếu nguồn nước ô nhiễm thì lo ngại cá chết, ai mà dám mua…”, bà Nhạn lo lắng nói.

vt1.jpg
Trong câu chuyện của những người dân vùng biển Lê Thuỷ giờ chỉ toàn nỗi lo về việc Nhà máy giấy VNT19 sẽ đưa ống xả ra biển

Theo bà con ở thôn Lệ Thuỷ, dự kiến vị trí xả thải của Nhà máy giấy VNT19 sẽ cách bờ khoảng 1km, một ngày đêm sẽ thải ra vịnh biển Việt Thanh khoảng 50.000 m3 nước thải sau quá trình sản xuất giấy. Trong khi đó, đây là ngành công nghiệp đứng đầu về mức độ gây ô nhiễm môi trường, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Cầm lá đơn yêu cầu của người dân thôn Lệ Thủy đã gởi đến các cơ quan có thẩm quyền của địa phương, bà Nguyễn Thị Năm cũng không khỏi lo lắng. Theo bà Năm, Nhà máy giấy VNT 19 xây dựng trên địa bàn xã Bình Phước mà dự kiến đường ống nước thải xuống vịnh Việt Thanh là không phù hợp. Kinh nghiệm của người đi biển thì đây là vịnh nhỏ, bờ biển hẹp, không có lưu lượng sông ngòi, nước trong xanh chỉ phù hợp cho làm du lịch, không phù hợp cho nước thải công nghiệp.

“Giờ Nhà máy bột giấy Bột- Giấy VNT-19 đặt ống xả thải thẳng ra vịnh Việt Thanh thì chắc không ai dám đến khu vực này để tắm, tham quan. Người dân mong muốn các cấp, ngành xem xét bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai được khỏe mạnh, người dân bớt lo lắng về môi trường” – bà Năm kiến nghị.

vt2.jpg
Bà Năm cho biết đã gửi đơn thư đến nhiều cơ quan chức năng để bảo vệ môi trường biển Lệ Thuỷ

Trước đó, vào tháng 6/2022, UBND huyện Bình Sơn đã tổ chức hội nghị tham vấn cộng đồng liên quan đến hoạt động xả nước thải ra vùng biển vịnh Việt Thanh. Nhưng chỉ sau 30 phút tham vấn ý kiến, người dân đã đồng loạt bỏ về vì không đồng tình.

Khó kiểm soát khi xả thải

Ông Ngô Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, huyện cầu thị lắng nghe tất cả ý kiến của người dân liên quan đến dự án xây dựng Nhà máy Bột- Giấy VNT19 tại buổi tham vấn, nhưng rất tiếc người dân đã bỏ về rất nhiều. Điểm xả thải của nhà máy ra vịnh Việt Thanh chỉ cách điểm xả thải của Nhà máy lọc dầu Dung Quất 1km. Nếu xảy ra sự cố về môi trường, thì lập tức Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có văn bản kiến nghị.

“Công nghệ sản xuất của nhà máy phải đạt chất lượng tiên tiến của Châu Âu. Nếu không thì dứt khoát chủ đầu tư cũng tự giết mình, bởi khi nhà máy xảy ra sự cố, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, mọi hoạt động của nhà máy sẽ phải tạm dừng...”, ông Dụng nhấn mạnh.

vt3.jpg
Vịnh Việt Thanh hoang sơ phù hợp với phát triển du lịch hơn là ngành công nghiệp

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Chuyên gia về môi trường) thì vịnh Việt Thanh là khu vực có độ “nhạy” về sinh thái, có quan hệ mật thiết với nguồn lợi hải sản ven bờ và sinh kế của ngư dân; có cảnh quan đẹp, nằm trong vùng biển ven bờ của đô thị Vạn Tường… nên rất cần quan tâm đến chất lượng môi trường. Do vậy, trước hết, cần yêu cầu Nhà máy thực hiện tham vấn cộng đồng dân cư thật kĩ và thiện chí. Tập trung thuyết phục các bên liên quan bằng giải pháp công nghệ cũng như giải pháp cùng tham gia giám sát chất lượng xả thải, sau khi tạo được sự đồng thuận mới tiến hành các bước tiếp theo.

Nước thải từ Nhà máy Bột - Giấy dù đã được xử lí đạt QCVN, nhưng màu sắc và các thành phần “chất lạ” vẫn khó kiểm soát hoàn toàn trước khi xả thải vào môi trường tự nhiên. Khi vận hành thử nghiệm hoặc sản xuất ở giai đoạn đầu, nước thải ra môi trường với số lượng lớn (dù đạt mức cho phép), chắc chắn sẽ gây “sốc” cho hệ sinh thái tự nhiên và có thể sẽ phát sinh “sự cố” ngoài ý muốn.

vt4.jpg
Đơn kiến nghị của người dân làng chài vịnh Việt Thanh

Ngoài nước thải, sản xuất Bột-Giấy vẫn khó kiểm soát triệt để khí thải và mùi. Nằm trên ngọn núi và đón gió từ nhiều phía, nên chắc chắn không tránh khỏi “mùi khó chịu” phát ra từ Nhà máy đến các cộng đồng cư dân trong khu vực. Vì chưa thích nghi với mùi “lạ”nên phản ứng xã hội là khó tránh khỏi ngay khi Nhà máy đi vào hoạt động. Nếu không may có hiện tượng sinh vật chết, san hô tẩy trắng… cùng với mùi, khói từ Nhà máy, sẽ tạo ra những làn sóng phản ứng dữ dội.

“Tại thời điểm hiện nay để Nhà máy đi vào hoạt động an toàn, hiệu quả thì vấn đề môi trường cần đặt lên hàng đầu đối với Nhà máy VNT19 và phải đảm bảo tuân thủ Luật BVMT 2020. Bởi lẽ với Nhà máy Bột Giấy - loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao thuộc nhóm I - vấn đề môi trường quan trọng đầu tiên cần xem xét, đó chính là lựa chọn vị trí”, PGS.TS Võ Văn Minh nêu ý kiến.

Hà Anh