TP.HCM: Giá bán căn hộ sẽ tiếp tục tăng
Bất động sản - Ngày đăng : 15:41, 19/07/2022
Theo báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn, giá chung cư tại TP.HCM vẫn đang trong đà tăng mạnh. Cụ thể, giá rao bán chung cư ở TP.HCM trong 5 tháng đầu năm 2022 đã tăng 5% so với mặt bằng giá 2021. Khảo sát của nhiều công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, căn hộ ở khu vực TP. Thủ Đức và huyện Nhà Bè đang được chào giá 60-100 triệu đồng/m2. Từ tháng 4 đến nay, các dự án đang mở bán hoặc đang chào giá dự kiến ra thị trường trong quý 2 tiếp tục xu hướng đi lên dù đã neo cao trong quý đầu năm.
Báo cáo quý 2/2022 của Colliers Việt Nam chỉ ra, giá sơ cấp căn hộ tại TP.HCM tiếp tục tăng khoảng 5% so với quý trước, đặc biệt là ở khu Đông thành phố. Thị trường tại một số điểm nóng như Thủ Thiêm khá im ắng do một số vấn đề từ cuộc đấu giá đất quý 4/2021 khiến các chủ đầu tư thận trọng hơn và tiếp tục trì hoãn các dự án mới tại khu vực này. Tuy nhiên, dự báo giá trong tháng tới của dự án mới tại Thủ Thiêm sẽ rơi vào mức tối thiểu là 216 triệu đồng/m2. Có nghĩa là, dù thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu im ắng hơn trước nhưng giá vẫn không hề hạ nhiệt.
Nhiều chuyên gia dự báo, giá các dự án căn hộ còn tiếp tục đà tăng trong tương lai khi mà nguồn cung BĐS tại TP.HCM chưa có dấu hiệu cải thiện rõ nét. Theo chuyên gia Colliers Việt Nam, có một thực tế là tất cả các dự án căn hộ tại TP.HCM giới thiệu ra thị trường trong quý 2/2022 đều bán khá tốt. Như vậy có thể thấy, nhu cầu mua nhà chung cư tại TP.HCM vẫn còn ở mức cao. Với các dự án căn hộ có giá dao động trong khoảng 2-5 tỷ đồng/căn, phù hợp túi tiền của nhiều khách hàng cùng với sự hỗ trợ từ ngân hàng nên được quan tâm.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam dự báo, nửa cuối 2022, trước mắt phân khúc BĐS nhà ở vẫn sẽ tiếp tục gặp khó về nguồn cung, sản phẩm căn hộ sẽ tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới. BĐS căn hộ có nhiều điều kiện để thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay. Nguyên nhân do việc cấp phép chậm cho nhiều dự án khiến nguồn cung BĐS nhà ở gặp khó. Với những nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu BĐS, nguy cơ lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến họ càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, nguyên nhân căn cơ nhất, sâu xa nhất dẫn đến tình trạng tăng giá BĐS thời gian qua là do thiếu nguồn cung và lực cầu tăng cao. Nguồn cung trên thị trường khan hiếm là do các dự án BĐS gần như dừng hẳn, không phê duyệt được vì các quy định pháp lý đang có những mâu thuẫn, chồng chéo tạo ra các rào cản vô hình, các địa phương không dám phê duyệt dự án để bơm nguồn hàng vào thị trường.
Trong bối cảnh nguồn cung không thể cải thiện được vì vướng luật, trong khi nhu cầu cao, khiến giá nhà đất tại các địa phương liên tục ghi nhận tăng. Ngay cả trong bối cảnh thị trường biến động, giá BĐS vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trước mắt, BĐS nhà ở vẫn đà tăng giá hoặc giữ nhịp chờ thêm các thông tin tích cực từ thị trường.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho hay, giá nhà tăng cao liên tục là do tình trạng khan hiếm nhà ở. Giá nhà đã vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân được biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở.
Bên cạnh đó, thị trường đang xảy ra tình trạng lệch pha cung - cầu dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Đây là 2 loại hình đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị nhưng do thiếu nguồn cung trong khi lực cầu rất lớn dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.
Ông Châu Lê Hoàng cho rằng, để kéo giảm giá nhà ở trên thị trường BĐS thì phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở. Muốn vậy, trước hết phải tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội...