Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả của thanh niên tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH
Môi trường - Ngày đăng : 15:09, 19/07/2022
Ngày 17/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 894/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2019 – 2022. Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức và hướng tới thay đổi hành vi cho thanh thiếu niên nói riêng và nhân dân nói chung trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 2019 -2022, với tổng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa đạt hơn 175 tỷ đồng, Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019 - 2022” đã đạt và vượt toàn bộ 7 chỉ tiêu đề ra, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề về môi trường, khí hậu hiện nay.
Theo báo cáo tổng kết Đề án, trong giai đoạn 2019 - 2022, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã triển khai hơn 390.000 vườn ươm cung cấp cây xanh, hơn 8.000 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với hơn 680.000 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Trong 3 năm qua, gần 95.000 chi đoàn khu dân cư đã đăng ký thực hiện “Tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp”. Ở cấp tỉnh và cấp huyện, đã có lần lượt gần 1.600 và khoảng 12.700 công trình thanh niên bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tương tự, có hơn 16.700 ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp liên quan đến nội dung Đề án của thanh niên được triển khai mới.
Đáng chú ý, nhờ những nỗ lực của tuổi trẻ cả nước và các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, đã có 1.052 nhà tránh lũ được xây dựng mới tặng bà con các địa phương. Tổng nguồn lực triển khai Đề án từ Ngân sách Nhà nước đạt hơn 53 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa đạt hơn 122 tỷ đồng.
Các báo cáo tại Hội nghị còn cho thấy, toàn bộ 7 chỉ tiêu của Đề án đều đạt và vượt mức đề ra. Trong đó, các chỉ tiêu vượt mức gồm: trồng mới 30 triệu cây xanh; tổ chức 8.000 lớp tập huấn; triển khai 200 công trình cấp tỉnh, 1.600 công trình cấp huyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ xây 250 nhà tránh lũ.
Trong quá trình triển khai Đề án, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả của tuổi trẻ cả nước như “Cá ăn rác tại các bãi biển”, “Chợ dân sinh, chung cư giảm rác thải nhựa”, “Vườn Đoàn”, Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường”…
Đặc biệt, qua các chiến dịch ra quân làm sạch môi trường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh cũng như thành lập, duy trì các đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với bão lũ, đăng ký xây dựng tuyến phố, tuyến đường, dòng sông xanh - sạch - đẹp, nhà, chòi tránh lũ… tổ chức Đoàn đã góp phần tích cực, trực tiếp vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẳng định, Đề án đã góp phần làm cho thanh thiếu nhi và cộng đồng hiểu rõ lợi ích của bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Đề án đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên và cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các ô nhiễm môi trường và chủ động phòng ngừa phát sinh các nguồn ô nhiễm môi trường, giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra góp phần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung trong chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam. Các cấp bộ Đoàn cần xác định việc tuyên truyền, vận động, huy động thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm công tác lớn của tổ chức Đoàn không chỉ trong giai đoạn 2019 - 2022, mà còn trong những giai đoạn tới, thực hiện đồng bộ, lâu dài và sáng tạo nhằm đạt hiệu quả cao.