Lửa xanh bên tiếng nhật triều duyên hải

Môi trường - Ngày đăng : 18:00, 16/07/2022

(TN&MT) - Những chiếc lá kép hình elip thuôn dài, xanh mượt trên những ngọn cây giáng hương nối nhau tạo thành những vệt xanh lớn chạy dọc theo tuyến đường Bà Triệu và đường Phạm Văn Đồng, hai bên bờ sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết… đã khơi dậy trong tôi cảm xúc vui mừng, tin tưởng. Trong mắt tôi, đó là những ngọn lửa xanh vừa được cộng đồng chung tay thắp lên làm bừng sáng quê nhà.

Đây chẳng phải là tín hiệu quê hương mình đã phát triển đúng hướng, chẳng phải là lòng dân muốn vậy hay sao?! Đây chẳng phải là “ngọn lửa xanh” khao khát muôn đời đã được thắp lên trong tiếng nhật triều giấc mơ duyên hải này sao?!

Bình Thuận quê hương tôi là tỉnh có thời tiết cực đoan, chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu. Mỗi năm vào tháng tư, tháng tám, hai lần mặt trời qua thiên đỉnh, nắng nhiệt và bức xạ được coi là “kho báu”. Sỏi đá khô cằn. Đất suy thoái bạc màu. Sa mạc hóa… Trong ký ức của tôi, vùng đất cực Nam Trung Bộ thương thuộc này luôn hiện lên với những trưa đỏ nóng khô bởi cái nắng cháy da cháy thịt, với những chiều vàng hoang hoải bởi những cơn gió quặn, gió thốc ran rát làn da. Hình hài đất Mẹ núi đồi cồn cát, đồi cao, đồi thấp, đồi trên núi, đồi bờ sông, đồi cát đỏ, đồi cát vàng, đồi cát trắng, đồi cát đen, đồi cát xám, đồi sét hồng vàng chập chùng, chập chùng, chập chùng…

microsoftteams-image-9-.png

Phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa rộng rãi ở Bình Thuận.

Những con sông quê mẹ vì vậy mà dòng chảy quặn đau, co thắt, cuồn cuộn, cuồn cuộn mùa mưa lũ nhưng nhanh chóng cạn đáy, trơ khấc đá sỏi mùa khô. Sông La Ngà, sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Quao, sông Phan, sông Dinh, sông Mường Mán, sông Cà Ty…, cái tên sông nào cũng vận vào những hành trình sống sinh cơ khổ. Đường cong lượn bờ biển Bình Thuận kéo dài đến 192km luôn thiếu vắng màu xanh, lỗ chỗ da beo đủ màu đủ sắc. Trong những ngăn ký ức ắp đầy hoài cảm của tôi, vùng duyên hải thương yêu này còn mãi vang trong tâm tưởng tiếng nhật triều bất an lên xuống bất thường không kể ngày đêm. Và điều tôi không muốn nhớ đến, ký ức buồn, ký ức nhói đau trong lòng những người con Bình Thuận, đó là những tiếng ì ầm vô hồn, nhẫn tâm của pháo kích, pháo dập, của những hang lỗ, đầm ao tạo ra bởi đạn 175 ly, đạn 105 ly, đạn pháo cối, bởi play-mo, mìn sát thương hạng nặng của Mỹ, bởi những trận đánh kéo dài nguyên một thời chiến cuộc đau thương. Không biết cơ man nào là rừng cây ngã gục, đất mẹ điêu tàn, không biết cơ man nào là tàn tro đen xém. Và điều tôi không muốn nhớ đến, ký ức buồn, ký ức nhói đau, đó là những trận phá rừng kinh hoàng đi vào lịch sử, những cuộc áp-phe khai thác cát đen bất chấp, vô tội vạ, gây ra hiện tượng cát loạn, cát bay, những mái tóc gió trắng phớ, nghiệt ngã rào rào bay phủ, khỏa lấp, qua một đêm có thể nửa ngôi làng chài đột nhiên biến mất; qua một đêm, những cụm phi lao bé nhỏ tắt lịm lửa xanh.

Ngày nay, Bình Thuận đã phần nào hồi sinh, đã có “Thủ đô resort Mũi Né” xanh - sạch - đẹp; khu bảo tồn rừng ngập mặn 32ha giữa lòng thành phố Phan Thiết mát rượi; bãi đá bảy màu lung linh bên bờ biển ngọc Tuy Phong níu chân du khách; khu bảo tồn sinh thái Tà Cú xanh mát quanh năm như vườn thượng uyển trên cao; đảo Phú Quý, Cù Lao Câu, Hòn Nghề, Hòn Lao, Hòn Bà - những viên ngọc xanh thắm giữa trùng dương… Tất cả đã được chăm chút, giữ gìn trở lại, rực rỡ hơn, thắm sắc hơn. Vẫn biết đời sống con người luôn hướng về phía trước, nhưng nỗi lo canh cánh môi sinh vẫn còn đó, trong từng nỗi lòng sâu thẳm của những người con yêu thương da diết quê nhà. Cũng phải thôi, là một sinh linh sống trên cõi đời này, ai mà không quý trọng chiếc nôi của chính mình, nơi mình đã cất tiếng khóc đầu tiên, rồi sống qua một cuộc đời trộn lẫn bao buồn vui, và rồi ai cũng mong muốn được mỉm cười lần cuối trước khi nhắm mắt xuôi tay ngay trên mảnh đất quê hương đẹp đẽ, xanh mát, nơi chôn nhau cắt rốn thiêng liêng của mình. Thế nên, không ai muốn quê nhà là mảnh đất khô cằn hoang hoải. Thế nên, không ai muốn trong giấc mơ của mình có những cơn bão cát làm đau rát cả tâm linh.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ hai câu thơ ám ảnh của Xuân Diệu:

Trái đất ba phần tư nước mắt

Đi như giọt lệ giữa không trung

Chẳng phải đó là hình ảnh, là chuyển động được khắc họa như một dự báo rất buồn hay sao?!

Bởi vậy những chiếc lá giáng hương sáng nay làm cho lòng tôi thấy vui, thiệt vui bởi niềm tin vốn le lói giờ ăm ắp tràn đầy. Tôi nhìn những con mắt ghe anh ánh mừng vui trên cảng biển Phan Thiết, tôi nhìn đắm say Lầu Nước gần chín mươi tuổi bên dòng Cà Ty mà rạo rực niềm yêu thương da diết quê nhà.

Bởi vậy, khi Quyết định 524/QĐ-TTg “Phê duyệt đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” ra đời, tỉnh Bình Thuận ngay lập tức đã hưởng ứng tích cực, lan tỏa nhanh chóng ý thức trồng cây để bảo vệ cuộc sống. Trồng cây chắn gió. Trồng cây trữ nước. Trồng cây cải thiện và nâng cao môi trường sinh thái. Trồng cây để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trồng cây xanh để giảm khí thải nhà kính. Và trồng cây để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống… Một khát vọng xanh vừa bừng thức. Một hành trình xanh lập tức được khởi động. Một tương lai xanh cho cả cộng đồng là điều thấy được trong nay mai. Thông tư 26/2011/TT-BTNMT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường một lần nữa được nhấn mạnh, được triển khai đi vào chiều sâu đời sống.

cmv-pool-15.jpg

Rất mừng là cả hệ thống chính trị và toàn dân đã vào cuộc. Ngày 30/8/2021, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 3238/KH-UBND, đề ra mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn toàn tỉnh, giao trực tiếp cho Sở NN&PTNT làm đầu mối kết hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện.

Để thực hiện kế hoạch đạt yêu cầu đề ra, Sở NN&PTNT) đã có công văn số 2636/SNN-VP ngày 6/9/2021 giao nhiệm vụ cho Chi cục Kiểm lâm là đầu mối kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, tham mưu Sở báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT khi có yêu cầu. Đồng thời, trong khoảng thời gian cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, do tình hình dịch Covid trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm cần chủ động sau khi tình hình dịch trên địa bàn được kiểm soát ổn định, khẩn trương phối hợp với UBND thành phố Phan Thiết, đơn vị doanh nghiệp đồng hành, tập đoàn Nova Group khảo sát, đề xuất cụ thể vị trí, nguồn quỹ đất, sơ đồ trồng cây để xây dựng chương trình “trồng cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Lễ phát động trồng cây nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2022 là sự kiện được đón nhận nồng nhiệt. Sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhận định, việc trồng cây xanh có vai trò quan trọng trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân, việc trồng rừng và phủ xanh thảm thực vật là phương cách bền vững để bảo vệ môi trường sinh thái. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Phong đã thay mặt lãnh đạo tỉnh, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh; đưa kế hoạch trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, trong từng khu dân cư, khu đô thị, khuôn viên trường học, khu công nghiệp, công sở…

Ngay trong lễ phát động, hàng trăm cây giáng hương đã được cán bộ và nhân dân Bình Thuận trồng trên đường Bà Triệu; những Kèn hồng, Chuông vàng được trồng trong công viên và xung quanh trường Mẫu giáo Bắc Xuân An. Tổng kinh phí chi cho lần trồng đầu tiên này là 334.603.940 đồng.

Tại sự kiện, đại diện Tập đoàn NovaGroup đã trao 10 tỷ đồng tài trợ cho UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện chương trình trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đồng thời, NovaGroup cùng các Tổng công ty thành viên Novaland, Nova Service, NovaConsumer, Nova Finance, Nova Industry… sẽ phối hợp trồng cây tại các tuyến đường trọng điểm của thành phố Phan Thiết, sau đó tiếp tục mở rộng thêm nhiều huyện, xã khác trên địa bàn tỉnh. Bà Hoàng Thu Châu - Tổng Giám đốc NovaGroup, chủ nhân sáng kiến và đang chung tay với tập đoàn của mình thực hiện ý tưởng “World in world” - Thế giới trong thế giới, cho biết: “Bên cạnh việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, NovaGroup luôn chú trọng hoạt động bảo vệ môi trường. Trong tương lai, Tập đoàn mong muốn đồng hành cùng Bình Thuận phủ xanh hơn nữa, cũng như góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động để việc giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành thói quen, nếp sống văn minh. Chúng tôi mong rằng, chương trình sẽ lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp khác trong việc giữ gìn, góp phần làm cho Bình Thuận ngày càng tươi đẹp hơn, bầu khí quyển ngày càng trong lành hơn, môi trường sống, nhờ đó thêm phần xanh - sạch - đẹp”.

Tôi thực sự vui mừng khi nghe Mai Kiều - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận, cũng là một đàn anh học chung trường với tôi, cho biết: Khó mấy cũng quyết tâm trồng được 10 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn toàn tỉnh, cụ thể: 9,306 triệu cây phân tán và 0,694 triệu cây trồng rừng tập trung.

Tôi thực bụng không muốn nói nhiều đến những con số, những mắc ma, những trầm tích, hệ tầng, những nghị định, nghị quyết…, tôi chỉ muốn viết lên những tin tưởng yêu thương, những linh cảm đổi thay, những khao khát xanh đã bừng thức, những “ngọn lửa xanh” đang được thắp sáng đều khắp trên đất mẹ quê nhà duyên hải Bình Thuận, bên tiếng ì oạp nhật triều miên viễn, bên ấm áp của tình thân kết nối chung tay vì một Bình Thuận xanh hơn, xanh mãi. Hy vọng và tin tưởng lắm thay! Và rồi tôi chợt thấy nơi góc sổ tay nhà văn của mình ánh lên những dòng xanh tin yêu lấp lánh:

Lửa xanh bên tiếng nhật triều

Yêu quê từ thuở hoang liêu đến giờ.

Nhà văn Nguyễn Hiệp