Cần làm rõ mối quan hệ giữa nhà quản lý, nhà báo, doanh nghiệp trong mục tiêu tăng trưởng xanh

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:31, 16/07/2022

(TN&MT) - Đây là ý kiến phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội tại Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VI- năm 2022 do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức đang diễn ra chiều 16/7.
ong-luu-binh-nhuong.jpg
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn "Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường " lần thứ VI


Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” với chủ đề “Phát triển xanh và cam kết của Việt Nam tại COP26” rất có ý nghĩa. Có thể nói ngay tiêu đề của diễn đàn đã có điểm nhấn và giá trị, ở đây rõ ràng đang đặt các nhà báo, những người làm báo vào vị trí trung tâm giữa các nhà quản lý và doanh nghiệp trong sự nghiệp thực hiện chiến lược quốc gia về môi trường, gắn liền với tăng trưởng xanh, đặc biệt là cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giảm phát thải bằng 0 tại COP26.

Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, cần phải xác định rõ phát triển xanh là gì, các tiêu chí tiêu chuẩn của phát triển xanh. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã thông qua và chính thức được áp dụng từ 1/1/2022 với nhiều quy định mới về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, đến nay chưa có có đạo luật nào xác định rõ các tiêu chuẩn về phát triển xanh….Vì vậy, rõ ràng vai trò của các nhà làm luật, làm chính sách, và trực tiếp là Bộ TN&MT rất quan trọng. Chúng ta cần làm rõ nội hàm của phát triển xanh, yêu cầu và điều kiện để phát triển xanh.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, đối với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 là nhiệm vụ rất quan trọng, là lời hứa với toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là làm sao đưa được phải thải bằng 0 vào năm 2050? Đây là thách thức vô cùng to lớn  đòi hỏi của tất cả chúng ta, trong đó 3 nhà: Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp.

“Chúng ta cần làm rõ mối quan hệ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và cơ quan báo chí. Cần gắn trách nhiệm của báo chí và quyền nhà báo trong Chiến lược COP 26. Vì vậy, tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương cần có chỉ đạo riêng về hoạt động báo chí đối với môi trường và mục tiêu COP 26” – Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đồng thời, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần hành động thức tỉnh ”cơn mê“ của những ai đang còn “ngủ mê” với vấn đề môi trường. Hiện nay, môi trường đang là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả mọi người là không thể chối cãi. Vì vậy, đối với người dân, báo chí cần tuyên truyền, hướng dẫn để họ biết được những hành động cụ thể trong bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, báo chí cũng cần thức tỉnh một số nhà lãnh đạo, nhà quản lý còn chưa coi môi trường là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, các nhà báo cũng cần thay mặt xã hội giám sát và điều tra các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xâm phạm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Trong đó có việc thức tỉnh một số Đây là sẽ góp phần hỗ trợ cho các nhà làm chính sách.

z3571398577211_b20feaba2ad823e9916ef2424ae55d66.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Cũng theo Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, doanh nghiệp là nơi sản xuất và cũng là một nguồn phát thải. Vì vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp cần có đóng góp thiết thực, hành động thực tế vào chiến lược trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. Theo đó, doanh nghiệp có thể trồng một số lượng cây xanh nhất định ngay trong khuôn viên, nếu mỗi doanh nghiệp của Việt Nam tham gia trồng một lượng cây xanh nhất định bên trong khuôn viên của doanh nghiệp, tại các trường học, bệnh viện, các khu vực công cộng thì mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh sẽ sớm hoàn thành. Việc hoàn thành mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh chính là việc xây dựng 1 ngân hàng oxy, dưỡng khí quan trọng cho đất nước, người dân.

Ban Dân nguyện sẵn sàng lắng nghe các ý kiến của người dân, nhà báo, doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến thực thi chính sách bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để tập hợp truyền tải đến các nhà quản lý để không ngừng hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan.

Nguyễn Quỳnh - Khương Trung - Thanh Bạch