Biến đổi khí hậu mối lo ngại gây ra cháy rừng ở châu Âu
Thế giới - Ngày đăng : 11:07, 16/07/2022
Các quốc gia trên khắp Nam Âu - trải qua đợt nắng nóng thứ 2 trong nhiều tháng qua - đã phải hứng chịu một loạt các trận cháy rừng trong vài tuần qua.
Hàng nghìn người sơ tán do cháy rừng
Tại quận Leiria, thành phố trung tâm tại 1 tỉnh của Bồ Đào Nha, những người lính cứu hỏa mệt mỏi đã chiến đấu để kiểm soát những ngọn lửa bị gió thổi mạnh. Khói từ đám cháy rừng làm đen cả bầu trời và cuồn cuộn trên đường cao tốc, trong khi ngọn lửa bốc cháy xung quanh các mái nhà ở một ngôi làng nhỏ.
Vụ cháy rừng đáng lo ngại nhất là gần thị trấn Pombal, nơi ngày 14/7, máy bay đã xả nước vào ngọn lửa đang xé toạc sườn đồi có nhiều cây thông và bạch đàn bắt lửa.
Trên khắp biên giới ở phía Tây của Tây Ban Nha, một đám cháy ở vùng Extremadura cũng đã quét vào tỉnh Salamanca trong khu vực Castile và Leon, buộc 49 trẻ em phải sơ tán khỏi một trại hè vào ngày 14/7. Chính quyền khu vực cho biết hơn 4.000 ha đất đã bị đốt cháy.
Tại Bờ biển Adriatic của Croatia, các máy bay cứu hỏa đã xả nước lên những khu rừng đang cháy và quân đội được huy động để hỗ trợ các nhân viên cứu hỏa ngăn chặn 3 vụ cháy rừng lớn xung quanh Zadar và Sibenek.
Trong khi đó, tại phía Tây Nam nước Pháp, hơn 1.000 lính cứu hỏa được hỗ trợ bởi 9 máy bay ném bom nước đang chiến đấu với 2 trận cháy rừng bắt đầu từ ngày 12/7. Đám cháy đã thiêu rụi 5.300 ha, con số này đã tăng gấp đôi trong 24 giờ qua.
Bà Fabienne Buccio, Tỉnh trưởng tỉnh Gironde cho biết: “Tình hình không thuận lợi, với nắng nóng như thiêu đốt và gió mạnh. Khi trời tối, chúng tôi sẽ không thể sử dụng các phương tiện trên không”.
Bà cũng khuyến cáo du khách có kế hoạch đi nghỉ trong khu vực này nên tránh trong vài ngày hoặc vài tuần.
Một trong hai đám cháy ở Gironde là xung quanh thị trấn Landiras phía Nam Bordeaux, nơi 2.400 ha đã bị thiêu rụi, đường xá bị đóng cửa và 500 cư dân phải sơ tán. Ngọn lửa khác, hiện là ngọn lửa lớn nhất với diện tích 2.900 ha, nằm dọc theo Bờ biển Đại Tây Dương, gần với "Dune du Pilat" - cồn cát cao nhất ở châu Âu - trong khu vực Vịnh Arcachon. Ngọn lửa đã tạo ra những đám khói đen dày đặc bốc lên bầu trời.
Khoảng 6.000 người đã được sơ tán khỏi các khu cắm trại xung quanh vào ngày 13/7 và 4.000 người khác vào ngày 14/7.
Ngày 14/7, một trận cháy rừng cũng bùng phát gần thị trấn Đông Nam Tarascon ở tỉnh Bouches-du-Rhône, thuộc vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur ở miền Nam nước Pháp, thiêu rụi hàng trăm ha đất. Đây là lần đầu tiên có một đám cháy nghiêm trọng như vậy xảy ra tại khu vực.
Điểm nóng về sóng nhiệt
Hàng nghìn người cũng phải sơ tán khỏi các ngôi nhà trên bán đảo Datca, phía Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ do đám cháy bắt đầu từ ngày 13/7 lan rộng bởi gió mạnh trong đêm và đe dọa các khu dân cư.
Bộ trưởng Lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đám cháy đã được kiểm soát vào ngày 14/7 sau khi 7 máy bay cứu hỏa và 14 trực thăng được triển khai để ngăn chặn nó.
Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng. Thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt diễn ra với tần suất gia tăng cũng đã tấn công các khu vực của Trung Quốc và Mỹ trong những ngày gần đây.
Một nghiên cứu trên tạp chí Nature tuần trước cho thấy, số lượng sóng nhiệt ở châu Âu đã tăng nhanh hơn 3-4 lần tại các khu vực như Mỹ và Canada.
Trao đổi với Reuters, đồng tác giả Kai Kornhuber, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết: “Châu Âu bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển. Đó là một điểm nóng về sóng nhiệt”.