Việc chuẩn bị hồ sơ xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) được đánh giá cao

Tài nguyên - Ngày đăng : 15:51, 15/07/2022

(TN&MT) - Bộ TN&MT được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi). Đến nay, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã được Bộ TN&MT triển khai thực hiện và hoàn thành theo đúng quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
anh-minh-hoa-bai-luat-khoang-san-1-(1).jpg
Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Ảnh minh họa

Đánh giá cao các chính sách đề xuất trong Dự thảo Luật

Theo đó, ngày 20/4/2022, Bộ TN&MT có Công văn số 2040/BTNMT-ĐCKS gửi các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Đến nay, Bộ TN&MT đã nhận được 76 ý kiến góp ý. Trong đó, có 15/18 ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và 61/63 ý kiến của các địa phương. Trong đó, có 27 cơ quan, đơn vị (26 địa phương, 1 Bộ) nhất trí hoàn toàn với các dự thảo văn bản trong Hồ sơ; các cơ quan, đơn vị còn lại hầu hết cơ bản nhất trí với nội dung, các văn bản, tài liệu trong Hồ sơ, về sự cần thiết ban hành phải đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) và có một số ý kiến góp ý khác.

Về cơ bản, các ý kiến góp ý đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), các chính sách đề xuất trong Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về địa chất và khoáng sản.

Trên cơ sở rà soát, nghiên cứu các ý kiến góp ý nêu trên, Bộ TN&MT đã tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo văn bản, tài liệu trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi). Cụ thể, đối với dự thảo “Báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010”, có 24 ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương góp ý cho dự thảo này.

Nhìn chung, các góp ý chủ yếu tập trung vào đề nghị đánh giá cụ thể hơn về một số bất cập, chưa phù hợp và chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Khoáng sản năm 2010 và một số Luật mới được ban hành, những vấn đề bất cập, chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, như: tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... và cập nhật, sửa đổi một số thông tin nêu trong Báo cáo. Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ TN&MT đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo.

Bộ TN&MT tiếp thu, chỉnh sửa nhiều ý kiến quan trọng

Đối với dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi)”, có 18 ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương góp ý cho dự thảo. Theo đó, các ý kiến chủ yếu tập trung đề nghị rà soát, phân tích, làm rõ thêm các nội dung đã thể hiện trong dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách. Qua rà soát, tổng hợp, Bộ TN&MT nhận thấy về cơ bản các ý kiến góp ý mang tính kỹ thuật và đã được Bộ tiếp thu, hoàn thiện cho dự thảo Báo cáo. Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị rà soát, phân tích, làm rõ thêm các nội dung đã thể hiện trong dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách, cơ bản cũng đã được Bộ TN&MT nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa.

Cụ thể, Bộ Tư pháp cho rằng, nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung có liên quan đến nhiều quy định pháp luật như pháp luật dân sự, đất đai, xây dựng, đầu tư, đầu tư công, quy hoạch, đấu giá, ngân sách nhà nước, bảo vệ môi trường... Do đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện các chính sách này, cơ quan lập đề nghị xây dựng Luật cần rà soát, tổng kết các bất cập, vướng mắc giữa quy định của pháp luật khoáng sản với các luật khác có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị, cơ quan lập đề nghị tổng kết, đánh giá những bất cập, vướng mắc khi triển khai Luật Khoáng sản trên thực tế trong thời gian qua, qua đó, phân tích, chỉ rõ các nguyên nhân (chủ quan, khách quan), từ quy định của pháp luật hay từ việc tổ chức thực hiện để nhận diện rõ những vấn đề còn tồn tại cần có giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động khoáng sản.

Đối với dự thảo Đề cương chi tiết dự thảo Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản, có 34 ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương góp ý cho Đề cương chi tiết dự thảo Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản. Các ý kiến chủ yếu tập trung đề nghị bổ sung các quy định về khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản,.... Những nội dung góp ý đã được Bộ TN&MT nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa.

Đối với dự thảo Tờ trình Chính phủ, có 16 ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương góp ý cho dự thảo Tờ trình Chính phủ về hồ sơ xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi). Các ý kiến góp ý tập trung vào nội dung giải trình lý do của việc sửa đổi tên gọi của đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) thành luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản; đề nghị rà soát, làm rõ thêm các nội dung đã thể hiện trong Tờ trình.

Cụ thể, theo ý kiến của Bộ Tư pháp, cơ quan lập đề nghị đề xuất tên của đề nghị xây dựng Luật là “Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản” mà không phải là Luật Khoáng sản (sửa đổi). Việc thay đổi tên gọi của đề nghị xây dựng Luật có thể làm thay đổi phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung của đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi). Tuy nhiên, cơ'quan lập đề nghị chưa giải trình lý do của việc sửa đổi tên gọi của đề nghị xây dựng Luật cũng như tác động của nó tới việc xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung chính sách.

Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan lập đề nghị xây dựng Luật giải trình rõ về vấn đề này tại dự thảo Tờ trình để làm cơ sở xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nội dung của các chính sách tại đề nghị xây dựng Luật. Cơ bản những nội dung này đã được Bộ TN&MT nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa.

Mai Đan