Tăng cường kết nối thông tin và khoa học kỹ thuật về quản lý rác thải nhựa

Môi trường - Ngày đăng : 16:59, 14/07/2022

(TN&MT) - Sáng 14/7, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo và Tổ chức Bảo tồn đại dương tổ chức Hội thảo “Tăng cường kết nối thông tin và khoa học kỹ thuật về quản lý rác thải nhựa, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”.
3.jpg
Ông Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn tăng cường kết nối, hợp tác, cập nhật thông tin để cùng tham gia và phối hợp thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Kế hoạch hành động), thể hiện qua công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình can thiệp trong tăng cường hiệu quả quản lý chất thải rắn, giảm rác thải nhựa từ đất liền ra biển và các nguồn rác thải trên biển. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổ chức Bảo tồn đại dương (OC) tài trợ và cố vấn kỹ thuật.

Ông Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, được Chính phủ các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm. Rác thải nhựa là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển như du lịch, nghỉ dưỡng, nghề cá và giao thông, môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi cá biển, sức khỏe và sự an toàn của con người.

4.jpg
Bà Hồ Thị Yến Thu - Phó Giám đốc thường trực MCD chia sẻ tại Hội thảo

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa thông qua việc triển khai các phong trào, kế hoạch hành động của Bộ, ngành, địa phương và thực hiện các nghiên cứu cơ bản về rác thải nhựa. Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các đối thoại song phương và đa phương với chính phủ các nước, thảo luận các giải pháp tối ưu và xây dựng các cơ chế tiềm năng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương thông qua việc triển khai Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021.

Bà Hồ Thị Yến Thu - Phó Giám đốc thường trực MCD chia sẻ: “Trong thời gian tới, Trung tâm MCD sẽ tiếp tục cùng các đối tác thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan, hỗ trợ nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật về quản lý rác thải rắn, giảm rác thải nhựa, hướng tới góp phần đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”.

5.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã được nghe các bài trình bày liên quan đến cập nhật thông tin, kiến thức về các chính sách, quy định pháp lý, chương trình về quản lý rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam góp phần thực hiện Kế hoạch hành động; các phương pháp đánh giá rác thải nhựa ven biển, ven sông và từ sông ra biển của quốc tế và Việt Nam; kinh nghiệm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương tại các địa phương và các sáng kiến, mô hình thực hành tốt trong quản lý rác thải nhưa đại dương. Đồng thời, chia sẻ, thảo luận về các khó khăn, thách thức chính trong thực hiện Kế hoạch hành động ở các cấp và đề xuất giải pháp, các giải pháp để thúc đẩy hợp tác công – tư – cộng đồng trong thực hiện Kế hoạch hành động ở các cấp.

Hoàng Ngân