Thị trường bất động sản vẫn khan hiếm nhà ở giá rẻ
Bất động sản - Ngày đăng : 18:59, 13/07/2022
Theo báo cáo thị trường của DKRA Việt Nam, trong 6 tháng qua, phân khúc đất nền tại TP.HCM và vùng phụ cận có khoảng 30 dự án mới với nguồn cung 4.904 sản phẩm, tăng 12% so với cùng kỳ. Riêng TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới ở phân khúc này.
Ở phân khúc căn hộ, 38 dự án mở bán mới với khoảng 16.800 căn, tăng 96% so với cùng kỳ năm ngoái. TP.HCM dẫn đầu nguồn cung khi chiếm 75,6% nguồn cung và gần 80% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường. Đặc biệt, căn hộ dưới 35 triệu đồng/m² gần như đã mất tích, còn căn hộ 40 triệu đồng/m2 cũng rất hiếm.
Phân khúc nhà phố, biệt thự, có 3.124 căn nhà phố, biệt thự từ 29 dự án. Giá bán sơ cấp ngày càng tăng, thị trường TP.HCM đã thiết lập mặt bằng giá mới. Cả thị trường Hà Nội và TP.HCM đều trong tình cảnh khan hiếm căn hộ bình dân, hầu hết căn hộ mở bán đều thuộc phân khúc trung cấp và hạng sang.
Tương tự, báo cáo thị trường quý 2/2022 của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, sau một thời gian dài sụt giảm nguồn cung, thị trường BĐS ghi nhận nguồn cung sản phẩm cao cấp lên hơn 14.500 sản phẩm, một con số cao kỷ lục. Trong khi nguồn cung phân khúc căn hộ trung cấp, bình dân rất hạn chế.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, trong năm 2022, nguồn cung căn hộ sẽ ở mức 22.000 - 24.000 căn. Nhưng trong rổ hàng lại không có nhà ở bình dân khiến thị trường rơi vào tình cảnh khan hiếm, thiếu hụt nhà giá rẻ trong những tháng cuối năm.
Nhận định về triển vọng thị trường BĐS trong 6 tháng cuối năm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, nguồn cung nhà ở tiếp tục có xu hướng tăng ở TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, nguồn cung chủ yếu vẫn là BĐS cao cấp, hạng sang.
Đồng quan điểm, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam đánh giá, bức tranh thị trường nhà ở 6 tháng đầu năm 2022 là các sản phẩm giá cao, thanh khoản nhỏ giọt và xu hướng này có thể tiếp diễn trong 2 quý còn lại của năm.
“Phân khúc nhà ở vừa túi tiền dành cho những gia đình trẻ từ dưới 30-35 tuổi, có nhu cầu ở thực chiếm tỷ trọng rất lớn, tuy nhiên trong rổ hàng gần như không có sản phẩm. Thực tế cho thấy giấc mơ an cư tại Sài Gòn ngày càng trở nên xa vời với họ”, ông Khương nhận định.
Ông Võ Hồng Thắng - Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Việt Nam cũng cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022, đà phục hồi xuất hiện ở hầu hết các phân khúc chủ chốt trên thị trường như nhà phố biệt thự, căn hộ, đất nền...
Tuy nhiên, lạm phát, thiếu cung, siết tín dụng BĐS,… đã tác động trực tiếp đến giá BĐS, hình thành nghịch lý về giá giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Giá bán sơ cấp trên thị trường 6 tháng đầu năm tăng mạnh, nhiều lần thiết lập mặt bằng giá mới.
Thực tế, thị trường BĐS không chỉ khan hiếm nguồn cung nhà giá rẻ, mà giá bán nhà cũng có xu hướng tăng dần đều. Theo Báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services, trong quý 2/2022, mặt bằng giá bán căn hộ tại TP.HCM ghi nhận ở mức 65 triệu/m2, tăng 3% theo quý.
Theo các chuyên gia, năm 2022 rõ ràng không phải là năm thuận lợi cho thị trường BĐS vì hệ lụy của sốt đất kéo dài, siết tín dụng BĐS, thuế chuyển nhượng bị siết chặt, giá thành bị đẩy lên cao, thanh khoản đi xuống... Đây là giai đoạn khó khăn đối với các nhà đầu tư BĐS.
Hiện tại, thị trường chỉ còn là “sân chơi” của các nhà đầu tư dài hạn, mức kỳ vọng thấp và có dòng tiền ổn định trong 3 năm trở lên. Giữa nhiều khó khăn, phân khúc nhà ở vừa túi tiền đại diện cho nhu cầu thật, càng cần được thúc đẩy để cân bằng lại thị trường đang lệch pha cung cầu - thừa nhà giá cao, thiếu nhà giá thấp.
Cũng theo các chuyên gia, để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhà đất giá rẻ, việc đầu tiên là cần thay đổi về chính sách pháp lý. Theo đó, nên rút ngắn thời gian thẩm định cấp phép và cung ứng vốn vay cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước có thể chỉ định các doanh nghiệp uy tín có thương hiệu trong việc xây dựng nhà ở để làm dự án…