Phù Cát (Bình Định): Bờ sông La Tinh sạt lở, người dân mất đất sản xuất
Tiếng dân - Ngày đăng : 21:32, 12/07/2022
Sông La Tinh là một trong những con sông lớn của tỉnh Bình Định, chảy qua địa bàn huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ. Từ thông tin phản ánh của người dân, phóng viên đã về địa phương tiếp cận hiện trường sạt lở của sông La Tinh.
Những năm qua, do yếu tố thiên tai và nạn khai thác cát mà con sông La Tinh bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền làm mất đất sản xuất hoa màu và uy hiếp nhà cửa của người dân. Cùng với sự thiếu kinh phí nên việc đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố chỉ được thực hiện ở một số đoạn ngắn nằm rải rác tại các địa phương mà con sông chảy qua.
Phóng viên ghi nhận tại sông La Tinh đoạn qua địa bàn xóm Sơn Lâm Nam, thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, một đoạn bờ sông dài gần 500 m đã bị sạt lở sâu vào bên trong đến 50 m. Đây là phần diện tích đất của hộ gia đình anh Đặng Quốc Tuyên, trú tại xóm Sơn Lâm Nam, thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đặng Quốc Tuyên cho biết: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình anh bị sạt lở từ năm 2021. Nguyên nhân là do mưa lớn, hồ Hội Sơn đầu nguồn sông La Tinh xả lũ cuốn trôi khoảng 2.500 m2 đất nông nghiệp của gia đình anh, tạo thành các hố sâu từ 1-2 m, sau đó đất cát tràn vào khiến toàn bộ diện tích này không thể sản xuất được.
Không chỉ riêng hộ gia đình anh Đặng Quốc Tuyên, dọc bờ sông La Tinh đoạn qua địa bàn xóm Sơn Lâm Nam còn có một số hộ dân khác cũng bị mất đất sản xuất từ 500- 1.000 m2 do bờ sông sạt lở. Người dân có biết, sông La Tinh đoạn qua xã Cát Sơn chỉ được xây kè một bên thuộc xóm Sơn Tuyền, còn bờ sông bên phía xóm Sơn Lâm Nam thì chưa được đầu tư, đây là nguyên nhân khiến nước lũ chảy mạnh, cuốn trôi nhiều diện tích đất đai của người dân xóm Sơn Lâm Nam.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Sơn chia sẻ: Sông La Tinh đoạn qua xã Cát Sơn bị sạt lở từ các đợt mưa lũ lớn vào năm 2016, đất sản xuất ở hai bên bờ sông bị nước lũ cuốn trôi khoảng 21 ha. Sau đó, Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đầu tư bờ kè kiên cố ở một bên bờ sông thuộc xóm Sơn Tuyền với chiều dài khoảng 1 km, còn bờ sông phía bên xóm Sơn Lâm Nam được địa phương gia cố tạm bằng cọc tre, bao cát với chiều dài khoảng 100 m, nhưng sau đó bị xuống cấp, hư hỏng sau các đợt mưa lũ tiếp theo.
Ông Nguyễn Thanh Sang cho biết thêm: Đợt mưa lũ năm 2016 đã cuốn trôi hai ngôi nhà của người dân sinh sống dọc bờ sông La Tinh đoạn qua xã Cát Sơn, đến đợt mưa lũ năm 2021 có 5 hộ dân bị mất đất sản xuất. Hiện, bờ sông La Tinh có nguy cơ tiếp tục sạt lở trong mùa mưa lũ. Do vậy, địa phương đề xuất chính quyền cấp trên và cơ quan chức năng có phương án đầu tư xây dựng bờ kè ở cả hai bên bờ sông để người dân yên tâm sản xuất.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho hay: Bờ sông La Tinh trong những năm qua bị sạt lở nghiêm trọng không chỉ tại xã Cát Sơn mà còn tại các xã Cát Tường, Cát Hưng, Cát Tài, Cát Thành, Cát Khánh thuộc huyện Phù Cát. Tại các địa phương này, bờ sông La Tinh vẫn đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng đến đất sản xuất và nhà cửa của người dân.
Ông Nguyễn Trung Kiên tiếp lời: Bờ sông La Tinh sạt lở nghiêm trọng trong những năm qua có nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc dự báo thiên tai chưa được chính xác dẫn đến nước hồ Hội Sơn ở thượng nguồn sông La Tinh dâng cao, phải xả lũ với lượng nước nhiều dẫn đến sạt lở, sa bồi thủy phá ruộng đồng. Kinh phí đầu tư của các xã hạn chế nên việc duy tu, bảo dưỡng hay xây bờ kè gặp nhiều khó khăn. Một số người dân khai thác đất cát trong lòng sông, làm thay đổi dòng chảy.
“Hiện nay, tỉnh Bình Định cũng như huyện Phù Cát rất quan tâm đầu tư xây dựng bờ kè tại một số đoạn sông La Tinh để khắc phục tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí xây dựng cao nên chỉ đầu tư tập trung vào những đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đất sản xuất và nhà cửa của người dân. Các đoạn sông còn lại, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cả hai bên bờ sông để dòng chảy ổn định, hạn chế sạt lở trong các mùa mưa lũ”, ông Nguyễn Trung Kiên nói.