Rà soát, cập nhật các điểm xung yếu để xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm
Tài nguyên - Ngày đăng : 17:09, 12/07/2022
Tiếp Đoàn công tác, về phía tỉnh Gia Lai có ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh Gia Lai.
Thiên tai khiến 13 người chết, thiệt hại kinh tế 260 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, trong năm 2021, tỉnh chịu ảnh hưởng của 9 đợt thiên tai gồm hạn vụ đông xuân; hạn vụ mùa; các cơn bão 5, 6, 7, 8; áp thấp nhiệt đới cuối tháng 9/2021; 2 đợt mưa lớn và một số đợt dông, lốc sét xảy ra cục bộ. Tuy nhiên, năm 2021 vẫn là năm tỉnh chịu thiệt hại do thiên tai thấp hơn so với những năm gần đây và giảm 61% giá trị thiệt hại so với năm 2020.
Tổng thiệt hại do thiên tai năm 2021 của tỉnh là hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do 2 đợt hạn hán là 141 tỷ đồng với hơn 18.840 ha diện tích cây trồng bị hạn. Mưa dông, lốc, sét, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão làm 13 người bị thương, vong; 326 nhà dân bị sập, tốc mái, ngập nước; hơn 1.800 ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị hư hỏng; nhiều tuyến đường tỉnh, huyện, xã và cầu, cống bị sạt lở, hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại là hơn 119 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc kèm theo sét, mưa đá; mưa lớn trái mùa đã làm 1 người chết, 81 căn nhà hư hỏng, tốc mái; 362,03 ha cây trồng bị hư hỏng, ngã đổ; tổng giá trị thiệt hại khoảng 48,932 tỷ đồng.
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, ngay sau các đợt thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại tại các địa phương và đề xuất các biện pháp khắc phục. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động, bố trí các nguồn lực tập trung khắc phục một số hạng mục, công trình nhằm đảm bảo nhà ở, giao thông đi lại... phục vụ tạm thời cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Trong năm 2021, trước tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra UBND tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị khắc phục hư hại do thiên tai gây ra, cụ thể: Hỗ trợ khắc phục sản xuất nông nghiệp với kinh phí là 7,945 tỷ đồng. Ngoài ra trong năm 2021, UBND tỉnh đã chi từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh tổng kinh phí 17,749 tỷ đồng. Khó khăn là hiện nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, Quỹ phòng chống thiên tại chưa đáp ứng nhu cầu thực tế về công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra về mặt công trình và các loại cây trồng ngoài quy định Nghị định 02/2017/NĐ-CP.
Ông Vũ Ngọc An cho biết, năm 2021, tỉnh đã triển khai thực hiện 3 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tổng kinh phí thực hiện 49,288 tỷ đồng. Các dự án cụ thể là Dự án bố trí dân cư vùng thiên tại xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, di dời, ổn định cho 100 hộ dân với diện tích khoảng 4,98 ha; Dự án bố trí dân cư vùng thiên tại xã Đak Rong, huyện Kbang, di dời, ổn định cho 73 hộ dân với diện tích khoảng 5 ha;Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai làng A Chông, xã Ayun, huyện Chư Sê, di dời, ổn định cho 32 hộ dân với diện tích khoảng 3,43 ha.
Báo cáo cũng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-UBND ngày 20/8/2020 về việc phê duyệt danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thuỷ văn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho các chủ công trình Vườn quốc gia, Sân bay Pleiku, hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn về Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và UBND các huyện nơi có công trình để quản lý theo dõi theo quy định.
Đối với việc thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa, các đợt mưa lũ trong năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đập thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba vận hành giảm lũ hạ du đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa số 878/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; các chủ đập thủy điện trên lưu vực sông Sê San vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa ban hành kèm Quyết Định số 215/QĐ-TTg ngày 13/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Sớm xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Đoàn công tác cho rằng, Gia Lai là tỉnh biên giới, có diện tích rộng, đông đồng bào thiểu số. Tỉnh có 17 huyện, thị, thành phố, 220 xã, phường thị trấn, lao động chủ yếu là phổ thông, sinh kế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Gia Lai thường xuyên chịu ảnh hưởng 11/21 loại hình thiên tai như hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét,… Khối lượng công việc phòng chống thiên tai rất nhiều so với các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, Gia Lai đã chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai để nhân dân sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng, tỉnh Gia Lai đã triển khai đầy đủ các quy định của Thủ tướng Chính phủ về liệt kê danh mục các công trình bắt buộc phải thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn. Tỉnh cũng tiến hành kiểm tra, đôn đốc các công trình thực hiện các quy định pháp luật khí tượng thủy văn, thủy lợi. Đối với các hồ chứa lớn như thủy điện và sân bay, các công việc này triển khai rất bài bản, hoàn chỉnh. Tuy nhiên, một số công trình khác còn triển khai chưa đầy đủ. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các công trình này thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.
Theo ông Hoàng Đức Cường, thời gian qua, tỉnh Gia Lai cũng thực hiện bài bản, hiệu quả việc truyền phát tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, do đặc của tỉnh là rộng, phân tán, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc truyền tải thông tin dự báo cần chú ý đến yếu tố địa phương này, làm sao giúp cho đồng bào tiếp nhận được đầy đủ, kịp thời nhất. Bên cạnh đó, theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, năm 2022, mưa lũ được dự báo sẽ xảy ra dồn dập vào các tháng 10, 11. Lương mưa 2 tháng này có thể tăng gấp đôi so với TBNN, lượng mưa cực đoan có thể còn lớn hơn. Do đó, tỉnh cần lưu ý và có phương án chủ động ứng phó.
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng chống thiên tai của Gia Lai trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung, Tây Nguyên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng cho rằng, tỉnh còn những hạn chế nhất định như chưa xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai theo quy định; việc rà soát điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai cực đoan tại một số địa phương chưa kịp thời; ý thức chấp hành một bộ phận nhân dân chưa cao; công tác nâng cao năng lực của cán bộ, người dân chưa được thực hiện thường xuyên; mỏng về cán bộ, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn hạn chế; nhiều công trình giao thông, thủy lợi xuống cấp, thiếu đồng bộ không có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, hệ thống dự báo, cảnh báo còn thưa; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện phòng chống thiên tai chưa hiệu quả…
Dự báo mưa lớn tại Gia Lai sẽ diễn ra dồn dập trong các tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Vỹ đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục có giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân trong phòng chống thiên tai; sớm xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai theo quy định; tổ chức kiểm tra, rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cực đoan; chủ động phối hợp trong công tác vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Ba, đặc biệt trong các tháng có mưa, lũ; bảo đảm an toàn các hồ chứa; bổ sung thêm cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố thiên tai, nhất là thiên tai cực đoan...
Chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra
Theo Đại tá Trần Đình Sáu, Văn phòng Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai; tiến hành kiểm tra rà soát các điểm thường xuyên xảy ra thiên tai để bổ sung vào quy hoạch; đánh giá các địa phương nguy cơ cao thường xuyên xảy ra thiên tai, có phương án di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; làm tốt công tác hiệp đồng giữa các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn trong công tác ứng phó thiên tai; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức các đợt diễn tập, chủ động thực hiện ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
Gia Lai là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, ông Nguyễn Huỳnh Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, đề nghị tỉnh tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cộng đồng, đẩy mạnh lồng ghép kiến thức phòng chống thiên tai vào chương trình đào tạo để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho cộng đồng; biên chuyển các tài liệu về ứng phó thiên tai sang tiếng dân tộc để nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cho người dân trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cảm ơn, ghi nhận các ý kiến, gợi ý, đánh giá của Đoàn công tác về công tác phòng chống thiên tai của tỉnh Gia Lai trong năm 2021. Trước sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã quan tâm và có chỉ đạo rất quyết liệt công tác ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn như: mưa lớn, bão, lũ, ngập úng... Đặc biệt, là tăng cường sự chỉ đạo của Đảng trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Kpă Thuyên cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục dõi chặt chẽ diễn biến, các hình thái cực đoan của thời tiết để có giải pháp ứng phó, phòng chống phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận hành xả lũ các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Ba và sông Sê San theo quy trình vận hành liên hồ chứa được Chính phủ phê duyệt; đôn đốc các chủ hồ, đập thủy lợi, thuỷ điện thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao công tác chủ động phòng chống thiên tai của tỉnh Gia Lai. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rất quan tâm xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo đặc điểm địa hình, nguy cơ thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần theo "phương châm 4 tại chỗ” để sẵn sàng và ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời các tình huống, sự cố thiên tai xảy ra.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục rà soát, cập nhật các điểm xung yếu khi xảy ra thiên tai để xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm; đẩy mạnh thực hiện công tác trao đổi thông tin nhanh với các cơ quan liên quan để có phương án ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai. Đồng thời, lưu ý việc vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Sê San với nước bạn Campuchia; một số đập thủy lợi, thủy điện có nguy cơ phải xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, di dời dân cư khỏi vùng nguy hiểm để hạn chế thiệt hại. Với cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2022, mưa lũ sẽ xuất hiện nhiều tại Gia Lai vào thời điểm cuối năm, tỉnh Gia Lai cần nâng cao sự phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn với Trung ương và địa phương bạn để hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Trước đó, Đoàn kiểm tra thực địa tại Nhà máy Thủy điện Ialy và công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Ring, tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.