Thanh Hóa bảo vệ môi trường tại KCN, CCN: Triển khai nhiều giải pháp
Môi trường - Ngày đăng : 11:19, 12/07/2022
Khắc phục tình trạng ô nhiễm
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 khu kinh tế, 8 khu công nghiệp (KCN), 35/71 cụm công nghiệp (CCN), hơn 160 làng nghề (LN) và làng có nghề, trong đó có 90 LN được công nhận. Để LN, làng nghề truyền thống (LNTT), CCN hoạt động đúng quy định của pháp luật về BVMT, Sở TN&MT Thanh Hóa không ngừng nâng cao chất lượng quan trắc, giám sát hoạt động môi trường như môi trường nước, không khí, khí thải, đất, trầm tích, sinh vật biển… nhằm đánh giá diễn biến chất lượng môi trường; thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc môi trường cho các đơn vị. Tổ chức hoạt động đánh giá chất lượng hệ thống quan trắc tự động, gắn với việc thực hiện lấy mẫu phân tích đối chứng, giúp các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng số liệu theo đúng quy định; phối hợp kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường; góp phần đưa ra các giải pháp kịp thời để quản lý, tăng cường chất lượng môi trường.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số LN khai thác khoáng sản như núi Vức (TP. Thanh Hóa), thị trấn Yên Lâm - huyện Yên Định và các cơ sở sản xuất bột cá, chế biến thủy sản phường Hải Bình, Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn), các hộ gia đình nuôi tôm ở vùng biển thuộc huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa vẫn còn diễn ra nước thải, khí thải không qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường làm tác động xấu đến môi trường xung quanh.
Với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT, nhưng trong khi đó, còn nhiều LN chưa đầu tư công trình xử lý chất thải phát sinh hoặc có những nơi đã được đầu tư lại chưa hoàn thiện hay không vận hành thường xuyên. Cụ thể như hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga có công suất 2.000m3/ngày đêm; khu A - KCN Bỉm Sơn có công suất 1.500m3/ngày đêm đang trong giai đoạn hoàn thiện; CCN Thiệu Dương có công suất 577m3/ngày đêm chưa hoạt động ổn định. Một số cơ sở, doanh nghiệp không xây dựng các công trình xử lý chất thải theo như cam kết trong hồ sơ về môi trường đã được phê duyệt, hoặc có xây dựng nhưng không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để mà còn thải trực tiếp ra môi trường.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường
Để chủ động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở TN&MT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đưa ra nhiều giải pháp thực hiện công tác BVMT tại các LN theo đúng quy định. Trong đó, các cơ sở hoạt động trong LN phải thực hiện đầy đủ các biện pháp thu gom, xử lý nước thải; khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng. Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của LN, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng.
Các phòng, ngành chức năng và các địa phương có LN phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về BVMT; kiên quyết xử lý đối với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và buộc phải đầu tư khắc phục ô nhiễm. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhân rộng mô hình đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội, cụm dân cư BVMT, như: “hố thu gom rác thải ngoài đồng” của hội nông dân; “cây xanh, đường sạch” của đoàn thanh niên; phong trào “3 sạch” của Hội phụ nữ; phong trào “bờ rào xanh” của Hội cựu chiến binh...; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa.
Tỉnh Thanh Hóa quy hoạch phát triển 8 KCN với tổng diện tích 2.035ha, bao gồm: KCN Lễ Môn: 87ha; KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga: 180ha; KCN Bỉm Sơn: 566ha; KCN Hoàng Long: 286ha; KCN Lam Sơn - Sao Vàng: 550ha; KCN Thạch Quảng: 100ha; KCN Ngọc Lặc: 150ha và KCN Bãi Trành 116ha; đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư 328 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 19.766 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 9.355 tỷ đồng và 41 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 722 triệu USD, vốn thực hiện đạt 404,1 triệu USD và hơn 300 dự án đi vào hoạt động ổn định.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện để kịp thời xử lý vấn đề ô nhiễm. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, huy động đa dạng nguồn vốn để đầu tư các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các KCN, CCN, LN, khu dân cư; xây dựng kế hoạch tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, dọc lưu vực các sông lớn vào các KCN, CCN, LN; di dời các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư đến vị trí phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Thường xuyên giám sát các số liệu quan trắc môi trường, thực hiện quản lý vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh. Nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, đánh giá chất lượng nước thải, khí thải tại các doanh nghiệp trước khi thải ra môi trường.