Thanh Hóa: 6 tháng đầu năm thu ngân sách ước đạt 26.334 tỷ đồng bằng 93,6%
Kinh tế - Ngày đăng : 14:05, 11/07/2022
Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ nghe, thảo luận và thông qua các báo cáo: Kết quả 6 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước. Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển, nông nghiệp sản xuất ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi; trong công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,07%, có 23/26 sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh ước đón 6,82 triệu lượt khách du lịch, gấp 2,3 lần cùng kỳ (trong đó có 44,6 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 2,2 lần cùng kỳ)… Thu ngân sách Nhà nước gần đạt dự toán cả năm và tăng cao so với cùng kỳ, ước đạt 26.334 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, tăng 63,4% so với cùng kỳ…
Trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường được duy trì. Đã giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 820 ha; cấp 21 giấy phép hoạt động tài nguyên nước; thẩm định 32 báo cáo ĐTM và 07 đề án cải tạo phục hồi môi trường. Đã cấp 11 giấy phép thăm dò, 07 giấy phép khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng 04 mỏ và thu hồi, đóng cửa 05 mỏ. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo quyết liệt; đã thực hiện việc ký cam kết GPMB giữa UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư với diện tích 3.296 ha, bằng 82,87% KH. Công tác kiểm tra, giám sát lĩnh vực tài nguyên, môi trường được đẩy mạnh; đã tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII. Về phát triển sản xuất, cử tri và Nhân dân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khẩn trương xây dựng và số hóa bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tiếp tục đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai. Quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, miền núi. Quan tâm đầu tư, nâng cấp, chống sạt lở các tuyến đê sông, biển, dự án tiêu thoát lũ trước mùa mưa lũ; đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá và nạo vét cửa Lạch Bạng.
Cử tri và Nhân dân tiếp tục đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, địa phương rà soát và kiên quyết thu hồi các dự án đã triển khai nhiều năm, gia hạn nhiều lần nhưng doanh nghiệp không triển khai trong khi đất bỏ không. Đề nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường quản lý Nhà nước về đấu giá đất, quy hoạch và phân lô bán nền, chấn chỉnh tình trạng các địa phương quy hoạch làm các mặt bằng khu dân cư quá nhiều, gây hiện tượng cung lớn hơn cầu, lãng phí tài nguyên, hỗn loạn thị trường bất động sản. Đề nghị UBND tỉnh thu hồi một phần diện tích đất của các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp... để cấp cho các hộ gia đình thiếu đất sản xuất. Chỉ đạo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để Nhân dân huyện Mường Lát có đất ở ổn định và yên tâm sản xuất. Xem xét đánh giá trữ lượng và xử lý dừng khai thác cát của một số doanh nghiệp. Các ngành chức năng cần quan tâm, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường theo dõi, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, có hình thức công khai phù hợp về hành vi gây ô nhiễm môi trường để Nhân dân biết, theo dõi và giám sát. Nghiên cứu ban hành chính sách mới, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án xử lý chế biến rác thải sinh hoạt.