Xã hội hóa việc xây dựng các trạm đo mưa giúp Kon Tum cảnh báo sớm sạt lở đất

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:01, 11/07/2022

(TN&MT) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, một trong những khó khăn trong công tác ứng phó lũ quét, sạt lở đất tại Kon Tum hiện nay là việc thiếu các số liệu mưa, gây khó khăn cho công tác cảnh báo. Trong điều kiện nguồn ngân sách cho việc xây dựng mới các trạm đo là khó khăn, địa phương cần nghiên cứu phương án xã hội hóa, kêu gọi sự đầu tư của doanh nghiệp.

Ngày 11/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về công tác phòng, chống thiên tai và thi hành pháp luật khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.

Tiếp Đoàn công tác có ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ huy và một số Sở, ngành tỉnh Kon Tum.

anh-1(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Triển khai đồng bộ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Văn Lực, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum) cho biết, trong năm 2021, thời tiết nắng nóng đã gây ra hạn hán cục bộ tại một số khu vực của tỉnh Kon Tum với tổng diện tích khoảng 93,84 ha. Tháng 9, 10 do ảnh hưởng bão số 5, 6 và mưa lũ đã làm chết 3 người, 136 nhà ở bị ảnh hưởng và khoảng 728 ha diện tích nông nghiệp thiệt hại; nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác như giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng, sạt lở và gây ách tắc giao thông. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021 khoảng 126 tỷ đồng.

Trước thiệt hại do thiên tai gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ tỉnh Kon Tum 30 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2021. Hiện, các địa phương, đơn vị đang triển khai thực hiện công tác khắc phục, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. UBND tỉnh cũng có văn bản báo cáo kết quả rà soát và đề xuất 27 dự án cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, với kinh phí là 880,16 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương là 857,3 tỷ đồng, vốn địa phương và nguồn khác là 22,86 tỷ đồng để di dời, bố trí ổn định cuộc sống cho 2.571 hộ dân với 10.001 nhân khẩu.

Theo kết quả đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tỉnh Kon Tum thuộc nhóm 10 tỉnh có kết quả đánh giá tốt nhất theo tiêu chí “Ứng phó thiên tai” và cũng là tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh có kết quả thấp nhất theo tiêu chí “Phòng ngừa thiên tai”. Để chủ động trong công tác phòng, chống ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả, UBND các cấp của tỉnh Kon Tum đã chủ động thực hiện theo Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được phê duyệt, đặc biệt thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

img_8221.jpg
Ông Trần Văn Lực, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kon Tum báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua trên địa bàn tỉnh là tình hình động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo ông Trần Văn Lực, thống kê của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, từ năm 2021 đến nay, ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn >=2.5 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, trận động đất mạnh nhất vào lúc 12 giờ 54 phút 22 giây ngày 18/4/2022, có độ lớn 4,5 độ richter thuộc khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. UBND huyện Kon Plông đã đề nghị các chủ đầu tư, quản lý công trình thủy điện triển khai lắp đặt thêm 5 trạm quan sát động đất để ghi nhận nhanh, chính xác, đầy đủ các trận động đất xảy ra tại khu vực Kon Plông và các khu vực lân cận phục vụ theo dõi diễn biến hoạt động động đất và vận hành an toàn công trình thủy điện.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản có liên quan. Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ chứa và đề nghị các chủ đập thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.

Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai, chú trọng các huyện trọng điểm

Phát biểu tại Hội nghị, các thành viên Đoàn kiểm tra cho rằng, Kon Tum là tỉnh có địa hình chia cắt mạnh, mật độ dân cư thấp, đời sống người dân còn khó khăn. Dân cư chủ yếu sống tập trung ở những nơi gần nguồn nước, các thung lũng để thuận lợi sản xuất, sinh hoạt, cũng là những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Đoàn kiểm tra đánh giá cao tỉnh Kon Tum trong công tác chủ động triển khai đồng bộ nội dung công tác phòng chống thiên tai, nhất là công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

img_8229.jpg
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống thiên tai miền Trung, Tây Nguyên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung, Tây Nguyên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, công tác ứng phó, phòng chống thiên tai của tỉnh Kon Tum trong những năm qua cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là nguồn lực tài chính cho công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế. Kế hoạch phòng chống thiên tai 5 năm đã phê duyệt nhưng chưa xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai theo quy định; việc rà soát điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai cực đoan tại một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời; nhân lực Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy các cấp còn mỏng, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn hạn chế....

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Vỹ đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, cảnh báo sớm thiên tai cho cộng đồng, doanh nghiệp; xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai theo quy định, xem xét xây dựng cho các huyện trọng điểm thiên tai như Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Rẫy. Đồng thời, chỉ đạo kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại 120/120 xã phường thị trấn, triển khai rà soát các điểm có nguy cơ cao mất an toàn về lũ quét, sạt lở đất. Đẩy nhanh tiến độ, có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công trước mùa mưa lũ chính vụ...

img_8232.jpg
Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Kon Tum có một số huyện nằm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra trượt lở đất đá. Tuy nhiên, rất may là các vụ trượt lở đất đá thời gian qua ở các khu vực này ít gây thiệt hại về người vì đây là các khu vực thưa dân cư. Các vụ trượt lở này chủ yếu gây ách tắc, cản trở giao thông đi lại. Ông Trịnh Văn Hòa cho rằng, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã chuẩn bị khá tốt cho công tác ứng phó, khắc phục các sự cố này.

img_8239.jpg
Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Kon Tum là địa phương có rất nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi đang vận hành, đặc biệt hồ chứa nhỏ. Do đó, tỉnh cần tiếp tục rà soát lại công tác giám sát, quan trắc các hồ chứa, không chỉ mùa lũ mà cả trong mùa cạn đặc biệt là việc sử dụng nước tại hạ lưu các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Ngoài ra, hiện nay trong quy trình vận hành liên hồ chứa có dòng Đak Bla có công trình thủy lợi kết hợp thoát lũ Đak Bla với khoảng hơn 20 triệu m3, đề nghị tỉnh giám sát, rà soát lại hồ chứa này, bổ sung vào quy trình liên hồ chứa Sê San để thuận tiện trong quá trình điều tiết, phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Dự báo kịp thời lũ quét, sạt lở đất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết, những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thiên tai đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản của người dân tỉnh Kon Tum. Do đó, công tác phòng chống thiên tai được UBND tỉnh rất quan tâm. Tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, tổ chức quản lý các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin, dữ liệu, cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn tại địa phương.

img_8281.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Hữu Tháp cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc các chỉ thị, công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai về công tác ứng phó, phòng chống thiên tai; chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các hồ chứa thuộc phạm vi quản lý, xử lý, khắc phục ngay những công trình hư hỏng có nguy cơ mất an toàn; tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tình trước và trong mùa mưa lũ năm 2022 theo quy định; thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, tổ chức diễn tập rút kinh nghiệm cho phù hợp với thực tế của địa phương.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Kon Tum trước mùa bão lũ 2022. Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai theo các tình huống thiên tai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đã rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần theo "phương châm 4 tại chỗ” để sẵn sàng và ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời các tình huống thiên tai, sự cố xảy ra. Công tác phòng chống thiên tai trên thực địa được tỉnh quan tâm, thực hiện rốt ráo, có sáng tạo phù hợp với hiện tượng thiên tai trên địa bàn, tập trung vào công tác “phòng là chính”.

thu-truong.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, theo dự báo cuối năm 2022, khu vực Tây Nguyên có thể đón mưa lũ dồn dập. Do vậy, tỉnh cần cảnh giác, đề phòng các hiện tượng thiên tai cự đoan, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay, việc cảnh báo, dự báo hiện tượng này còn nhiều khó khăn, vì không chỉ phụ thuộc vào mưa lớn mà còn phụ thuộc vào nền đất, các hoạt động địa chất, phát triển kinh tế xã hội. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, Đài tỉnh để trao đổi thông tin, có cảnh báo kịp thời.

Hiện nay, số liệu mưa trên địa bàn còn thiếu, gây khó khăn cho công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Để khắc phục, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, do nguồn ngân sách cấp cho việc xây dựng mới các trạm đo là khó khăn nên địa phương có thể thực hiện theo hướng xã hội hóa, kêu gọi sự đầu tư của doanh nghiệp. Tỉnh sẽ sử dụng tiền từ Quỹ Phòng chống thiên tai để mua lại các số liệu từ doanh nghiệp để phục vụ công tác dự báo. Hiện, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã thực hiện theo phương án này và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị, UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn cung cấp các số liệu quan trắc theo quy định. Đặc biệt là các hồ chứa nước cần phải thường xuyên kiểm tra, giám đảm bảo thực hiện đúng quy trình.

a-linh.jpg
Ông Nguyễn Trần Linh, Chánh Văn phòng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Phó Trưởng đoàn kiểm tra việc thi hành pháp luật khí tượng thủy văn trình bày báo cáo. Ảnh: Thanh Tùng

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Linh, Chánh Văn phòng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Phó Trưởng đoàn kiểm tra việc thi hành pháp luật khí tượng thủy văn năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã trình bày dự thảo báo cáo kết luận kiểm tra. Báo cáo đã chỉ rõ các mặt làm được, những điểm tồn tại hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.

6 tháng đầu năm 2022, mưa lớn, lũ, gió lốc, giống sét đã làm 3 người chết; 8 nhà bị tốc mái, 4 trường học bị ảnh hưởng; diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 9,5ha; 1 trụ điện bị gãy đổ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 972 triệu đồng.

Thanh Tùng - Quế Mai