Thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản tại Hòa Bình và Bắc Kạn

Tài nguyên - Ngày đăng : 19:03, 08/07/2022

(TN&MT) - Sáng 8/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản đối với đá sét, đá vôi tại Hòa Bình và quặng chì-kẽm tại Bắc Kạn.
img_8858(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp

Báo cáo đề án thăm dò khoáng sản đá sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, ông Hà Văn Cường - Công ty Cổ phần Công nghệ Bắc Bán cầu, đại diện đơn vị tư vấn cho biết: Các phương pháp và khối lượng công trình thăm dò thiết kế tại đề án là phù hợp, đảm bảo đúng theo các quy phạm, quy định hiện hành. Thực hiện thi công thăm dò theo thiết kế tại đề án đưa ra sẽ đảm bảo đủ cơ sở để xác định chính xác đặc điểm của thân nguyên liệu đá sét xi măng, đánh giá được đầy đủ chất lượng và trữ lượng đến cấp 121 và cấp 122 trong diện tích thăm dò.

Với đặc điểm thân nguyên liệu đá sét xi măng phân bố bao trùm toàn bộ diện tích thăm dò, chất lượng đá sét đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Ngoài ra, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực rất thuận lợi cho công tác thi công thăm dò, khai thác. Mục tiêu thăm dò đánh giá trữ lượng đá sét làm nguyên liệu xi măng là 63 triệu tấn.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản và các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua Đề án thăm dò khoáng sản đá sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư (Công ty Cổ phần xi măng Thành Thắng Group) và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đảm bảo 75% mẫu mặt theo quy trình, quy phạm; thống nhất 3 khu nhưng lấy 1 mẫu công nghệ đại diện. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ủy viên Hội đồng, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện đề án, trình Hội đồng xem xét, cấp giấy phép theo quy định.

img_8868.jpg
Ông Khương Thế Hùng - đại diện Trung tâm triển khai công nghệ khoáng chất, đơn vị tư vấn báo cáo đề án thăm dò quặng chì-kẽm khu vực Kéo Nàng, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn

Báo cáo Đề án thăm dò khoáng sản đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực Đồng Đăng, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Công - đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Khảo sát thiết kế và xây dựng mỏ địa chất, đơn vị tư vấn cho biết, đơn vị đã tiến hành công tác khảo sát thực địa, thu thập tài liệu địa chất và các tài liệu kinh tế - xã hội của khu vực thăm dò và các khu mỏ lân cận.

Đề án đã tổng hợp và sử dụng các thông tin địa chất khoáng sản có liên quan đến khu mỏ để lựa chọn tổ hợp phương pháp và mạng lưới bố trí công trình thăm dò, khối lượng các hạng mục công tác thăm dò hợp lý và phù hợp với đối tượng thăm dò.

Kết quả tính toán tổng trữ lượng đá vôi dự kiến cấp 121+122 là 74.081 nghìn tấn, trong đó, trữ lượng cấp 121 là 8.120 nghìn tấn; trữ lượng cấp 122 là 65.961 nghìn tấn

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Ủy viên Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản yêu cầu đơn vị tư vấn giải thích rõ về hệ thống tuyến thay đổi và các lỗ khoan.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu chủ đầu tư (Công ty TNHH xi măng Vĩnh Sơn) và đơn vị tư vấn loại bỏ diện tích hồ dưới coste thăm dò; liên hệ với chính quyền địa phương thuê mặt bằng trong hoặc ngoài ranh giới thăm dò để thuận tiện cho việc thăm dò và thời gian sử dụng để thăm dò.

Thứ trưởng cũng yêu cầu, đơn vị rà soát kỹ thế nằm của từng vị trí khi tiến hành các công trình ngoài thực địa, đảm bảo công trình đó thực hiện theo hướng tiết kiệm và đạt tính chính xác về số liệu.

img_8840.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Báo cáo đề án thăm dò quặng chì-kẽm khu vực Kéo Nàng, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, ông Khương Thế Hùng - đại diện Trung tâm Triển khai công nghệ khoáng chất, đơn vị tư vấn cho biết: Các phương pháp thăm dò và khối lượng các dạng phương pháp thăm dò được thiết kế phù hợp đối với loại khoáng sản có cấu tạo dạng vỉa, thấu kính cắm dốc và đảm bảo mật độ mạng lưới thăm dò tính trữ lượng cấp 122.

Đề án sau khi thi công sẽ dự tính được trữ lượng cấp 122 với mục tiêu là 5.000 tấn kim loại chì-kẽm; xác định được các điều kiện khai thác mỏ và dự báo mức độ ảnh hưởng của hoạt động thăm dò, khai thác đến môi trường làm cơ sở để Công ty lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế khai thác quặng chì kẽm mỏ Kéo Nàng.

Ông Nguyễn Trường Giang - Chánh Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia yêu cầu chủ đầu tư (Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn) và đơn vị tư vấn làm rõ khối lượng theo mức độ nghiên cứu của từng khu để có thiết kế phù hợp, rà soát đảm bảo yêu cầu và tránh lãng phí thiết kế công trình.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn bổ sung thêm, đi tiếp hoặc dọn các hầm lò, vết lộ vỉa trên cơ sở đảm bảo an toàn, không được chủ quan, hết sức lưu ý, được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Thứ trưởng cũng đề nghị, các đơn vị rà soát kỹ tiến độ thực hiện đề án theo 2 bước, có đề xuất thời gian cụ thể; tính toán thăm dò mỏ chì - kẽm phải đầu tư đúng, đủ để có trữ lượng đảm bảo độ tin cậy và sau này lựa chọn hình thức, phương pháp và vị trí khai thác mỏ phù hợp.

Mai Đan