Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Quảng Nam tăng cao, xếp thứ 4 trong cả nước

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 09:37, 08/07/2022

6 tháng đầu năm 2022, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt và đồng bộ, trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục nhiều hoạt động kinh tế; theo đó, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam đã có những gam màu sáng khi hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 12,8%, thuộc nhóm 4 tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất của cả nước.
h1.jpg

UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao, tình hình phát triển kinh tế cơ bản được phục hồi

Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 hơn 34.642 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 12,8%, tăng gần 2,4% so với cùng kỳ năm 2019, cao thứ 4 của cả nước, đứng vị trí thứ 2 trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Điều này cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi nền kinh tế trên địa bàn tỉnh đã có tiến triển, khởi sắc.

Quy mô nền kinh tế ước tính đạt gần 60 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành). Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 37,4%; khu vực dịch vụ chiếm 30,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18,6%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì phát triển, phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng 22,7%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 25% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 16,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 25,3%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,6%.

Khu vực dịch vụ được phục hồi, khách du lịch tăng cao, tăng gần 6,5% so với cùng kỳ, đã tổ chức thành công Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam năm 2022. Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam tích cực triển khai các chương trình kích cầu, khuyến mãi để thu hút du khách trở lại, đặc biệt là khách nội địa. Kết quả hoạt động ngành du lịch đã có những diễn biến vô cùng tích cực, mặc dù số lượt khách quốc tế vẫn chưa thể phục hồi. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt gần 2,3 triệu lượt khách, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khách quốc tế ước đạt 91 nghìn lượt khách, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021; khách nội địa ước đạt gần 2,2 triệu lượt khách, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 32,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng 25,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20%. Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 25 tỷ đồng, tăng 110,8%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng thấp, tăng 1% so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của mưa lớn trái mùa vào những ngày đầu tháng 4/2022 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hoạt động trồng trọt nên riêng ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,4%, dẫn đến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp. Kết thúc gieo trồng vụ Đông Xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh gieo trồng được 77,7 nghìn ha cây hằng năm, tăng 191 ha so với cùng vụ năm trước.

Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt trên 3,8 nghìn ha, tăng 180 ha.

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 69 nghìn tấn tăng 1,9 nghìn tấn so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản khai thác chiếm gần 78,8% trong tổng sản lượng, 21,2% sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,94%. Nguyên nhân: do giá xăng dầu tăng cao và liên tiếp thiết lập kỷ lục mới, thị trường hàng hóa đang chịu sức ép lớn từ việc biến động của giá xăng dầu nên giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng cao do chi phí đầu vào tăng; giá nhà ở thuê tăng.

h2.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân chủ trì buổi họp báo chiều ngày 7/7

Thu ngân sách tăng cao, tài chính tiền tệ ổn định

Thu ngân sách tăng cao, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng năm 2022 là 18.680 tỷ đồng, đạt gần 79% dự toán và tăng 43% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 11.695 tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm, tăng 20% so với cùng kỳ.

Tổng huy động trên địa bàn đạt hơn 72.800 tỷ đồng, tăng 8,68% so với đầu năm và tăng 13,09% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 91.207 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm.

Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu 2.390 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 866,4 triệu USD tăng 21,8% và kim ngạch nhập khẩu đạt 1.523,4 triệu USD tăng 29,4%.

h3.jpg

Cảng Chu Lai (Quảng Nam) được phê duyệt thành cảng biển loại 1, trở thành một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương trong nước và quốc tế của khu vực miền Trung và Tây nguyên

Thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Tính đến hết tháng 6, cả tỉnh có 674 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 0,4% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký đạt 4.455 tỷ đồng.

Cấp mới 03 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 23,5 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đến nay là 195 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD. Cấp mới 29 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 5,6 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh hiện nay là 940 dự án với tổng vốn đăng ký gần 240 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục tăng cường đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm của các nhà đầu tư các dự án khu đô thị, nhà ở.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 Quảng Nam đứng vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước, thuộc nhóm khá, tăng 0,52 điểm và tụt 06 bậc so với năm 2020. Trong 10 chỉ số thành phần, Quảng Nam có 05 chỉ số tăng điểm gồm: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý; 05 chỉ số giảm gồm: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế: Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực thương mại - dịch vụ, chưa đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, tuy nhiên đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Công tác lập Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm; công tác phối hợp giải quyết các hồ sơ, thủ tục giữa các sở, ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu…

Anh Dũng