Chuyên gia lo lắng khi làm điện mặt trời ở đầm lớn nhất Quảng Ngãi
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:34, 07/07/2022
Đầm An Khê có diện tích gần 350 ha, nằm trên địa phận phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh, Thị xã Đức Phổ. Đây là đầm lớn nhất Quảng Ngãi với nguồn lợi thủy sản dồi dào, là nơi mưu sinh của của các hộ dân các thôn Phú Long, Diên Trường (xã Phổ Khánh); Long Thạnh 1, Long Thạnh 2 (phường Phổ Thạnh) và đóng vai trò quan trọng đối với môi trường cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Trong lịch sử, đầm An Khê đã đóng góp rất nhiều cho giao thương khu vực. Có thể nói, cụm di tích khảo cổ và không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đầm An Khê có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng với văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi nói riêng và nền văn hóa Sa Huỳnh của Việt Nam nói chung.
Thời gian qua, dư luận rất quan tâm về việc đầu tư 2 dự án nhà máy điện mặt trời sẽ làm “tổn thương” đến đầm An Khê và ảnh hưởng sinh kế của người dân.
Theo PGS.TS Võ Văn Minh, đầm An Khê là hệ sinh thái đất ngập nước, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc duy trì đa dạng sinh học trong khu vực. Về nguyên lý phát triển, hệ sinh thái đầm An Khê giống như quả trứng. Nếu phá vỡ vỏ trứng bởi nội lực từ trên trong, sự sống sẽ được bảo tồn và phát triển tốt ngay khi ra ngoài.
Ngược lại, nếu sử dụng ngoại lực tác động để phá vỡ vỏ trứng, sự sống có thể bị tổn thương hoặc kết thúc. Do đó, với đầm An Khê, việc cần làm bây giờ là nâng cao năng lực cộng đồng để thực hiện đồng quản lý hệ sinh thái.
“Đầm An Khê là một mắt xích quan trọng cả về giá trị tự nhiên lẫn văn hoá lịch sử. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như hội nhập quốc tế, đầm An Khê cần được bảo tồn các giá trị theo chiều sâu và cần được kết nối trong không gian rộng” - PGS.TS Võ Văn Minh nêu quan điểm.
Còn theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, đang có mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển. Đầm An Khê có vai trò quan trọng trong sinh kế cộng đồng, cũng là nơi tạo điều kiện cho nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ, không ở đâu có. Trách nhiệm của Quảng Ngãi đối với nền văn hóa này là rất lớn.
"Điện mặt trời chắc chắn không bền vững. Sau hơn chục năm, việc giải quyết số pin mặt trời là vấn đề không hề đơn giản. Hơn nữa, làm điện mặt trời thì mất sinh kế của cộng đồng” - PGS.TS Bùi Chí Hoàng nêu ý kiến.
PGS.TS Bùi Chí Hoàng cho rằng, Quảng Ngãi cần xây dựng phức hợp, kết nối đầm An Khê, Gò Cỏ, đồng muối, nhà trưng bày… Đây sẽ là nền tảng tốt để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, đối với hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt, nếu không có đầm An Khê, chắc chắn không thể được công nhận.
Ông Phạm Kim Oanh, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết, nhiều người dân ở Phổ Thạnh, Phổ Khánh gắn bó gần cả cuộc đời với đầm An Khê. Đầm không chỉ cho tôm cá, ba con còn dùng nước ngọt ở đầm để sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, khu vực này còn liên tiếp phát hiện nhiều cổ vật về văn hóa Sa Huỳnh.
“Đầm An Khê gắn liền với văn hóa Sa Huỳnh nên người dân mong muốn bảo tồn và sử dụng vào mục đích gần gũi, thân thiện với môi trường. Nếu làm du lịch sinh thái sẽ là một hướng khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và di sản văn hóa vô giá nơi đây”, ông Oanh bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, ý kiến của các chuyên gia là tham vấn về những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh, vai trò của đầm An Khê trong bảo tồn không gian văn hóa - sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh cổ cũng như sự ảnh hưởng của dự án điện mặt trời trên đầm An Khê đến định hướng bảo tồn không gian di sản văn hóa Sa Huỳnh, phát triển dịch vụ, du lịch tại đầm An Khê và vùng phụ cận.
“Quan điểm lãnh đạo tỉnh, việc bảo tồn di tích và phát huy giá trị là đặt lên hàng đầu, ưu tiên nhất” - ông Trần Hoàng Tuấn khẳng định.
Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm An Khê do Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Hệ thống đề xuất. Dự án có quy mô 33,9 ha tại đầm An Khê với công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 là quý IV/2023, giai đoạn 2 là quý IV/2024.
Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Nước Mặn (An Khê 2) do Công ty CP Systech Đà Nẵng đề xuất với quy mô 32,8 ha tại đầm An Khê với công suất thiết kế 50MWp, tổng mức đầu tư 981 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành đến quý IV/2024.