Thanh Hóa: Hiệu quả từ các dự án trồng rừng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:54, 07/07/2022
Những tác động của biến đổi khí hậu
Với đường bờ biển dài 102km, Thanh Hóa là tỉnh chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH, nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan... đang hiện hữu ngày càng nhiều và rõ rệt hơn, thu hẹp diện tích sản xuất đất nông nghiệp, gây thiệt hại cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
BĐKH gây ra nhiều tác hại tới rừng và nghề rừng, đe dọa tới ĐDSH và làm tăng nguy cơ mất rừng. Nhiệt độ tăng lên làm nguy cơ cháy rừng tăng cao, làm thay đổi tổ thành và cấu trúc hệ sinh thái, làm tăng nguy cơ tuyệt chủng của một số loài động thực vật, gây khó khăn cho công tác bảo tồn ĐDSH. Hạn hán, nắng nóng và bão lũ làm tăng nguy cơ cháy rừng, cây cối đổ gãy, lũ lụt, sạt lở đất, xói mòn đất xảy ra nghiêm trọng. Thời tiết thay đổi cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác trồng rừng của người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là công tác trồng RNM gặp nhiều khó khăn.
Tác động của BĐKH làm cho mực nước biển dâng cao, hệ thống đê biển không thể chống chọi được, dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong các trận bão lớn; làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước ở các con sông nội địa dâng cao kết hợp gia tăng dòng chảy lũ sẽ làm ngập úng hoa màu, nhà cửa; làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn của biển vào đất liền gây khó khăn cho công tác cấp nước phục vụ sản xuất; nước biển dâng và triều cường mạnh làm cho diện tích đất và RNM bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai trồng, bảo vệ, chăm sóc RNM ven biển.
Xác định được những tác động, ảnh hưởng của BĐKH tới môi trường, những năm qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa rất chú trọng tới việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển RNM; nhiều dự án được triển khai tại các huyện ven biển của tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực .
Nhiều dự án trồng RNM mang lại hiệu quả thiết thực
Hiện tổng diện tích khoán bảo vệ RNM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 822ha. 100% diện tích RNM giao khoán bảo vệ rừng được quản lý, bảo vệ tốt, không có các vụ vi phạm về phá rừng, không có dự án chuyển mục đích sử dụng RNM.
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai trồng mới 723,44ha RNM, chủ yếu tập trung tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa, phần lớn diện tích cây trồng sinh trưởng phát triển tốt; Trồng bổ sung khoảng 300ha tại huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.
Trong đó, dự án trồng RNM phòng hộ ven biển chống xói lở bờ biển Thanh Hóa, quy mô trồng mới 300ha; dự án trồng cây chắn sóng thuộc dự án củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê cửa sông huyện Nga Sơn, đã hoàn thành 112ha đạt 100% kế hoạch.
Dự án duy tu đê biển huyện Hậu Lộc, quy mô 100ha, kết quả thực trồng rừng phòng hộ ngập mặn đến năm 2018 đạt 38ha, đạt 38% kế hoạch.
Dự án đầu tư phát triển RNM phòng hộ tại các xã ven biển huyện Hậu Lộc do Quỹ thiên tai miền Trung tài trợ, quy mô 200ha, kết quả đã trồng được 106ha RNM, đạt 53% kế hoạch.
Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi các tác động liên quan đến BĐKH do quỹ GCF tài trợ, theo Báo cáo của Ban QLDA GCF tỉnh Thanh Hóa: Năm 2019, Ban QLDA GCF tỉnh Thanh Hóa đã trồng, phục hồi 350ha RNM, trong đó trồng mới 50ha (huyện Hậu Lộc 10ha; huyện Nga Sơn 40ha), trồng bổ sung 300ha (huyện Hậu Lộc là 215,2ha; huyện Nga Sơn 84,8ha).
Kết quả rừng trồng được nghiệm thu và thanh toán là 340ha (trồng mới là 40ha, trồng bổ sung là 300ha), còn lại 10ha rừng trồng mới tại xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc không thành rừng do điều kiện lập địa tại đây quá khó khăn. Diện tích này đã được đại diện Nhà tài trợ (UNDP) và các Ban QLDA Trung ương thống nhất không tiếp tục thực hiện các hạng mục lâm sinh vào năm tiếp theo của dự án.
Tới thời điểm hiện tại, diện tích được nghiệm thu, thanh toán cây trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo các tiêu chí, điều kiện theo quy định của Bộ NN&PTNT và của dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai Dự án trồng, phục hồi rừng ven biển huyện Hậu Lộc, Quảng Xương sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, thuộc Chương trình ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và vốn ngân sách tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Hiếu - Phòng Sử dụng và Phát triển rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ vai trò của RNM đã được chứng minh qua thực tế, nhất là những năm gần đây, ngành Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang rất chú trọng trồng mới, trồng bổ sung diện tích RNM. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của cộng đồng, triển khai phương án quản lý RNM dựa vào cộng đồng.