Thay đổi tư duy phát triển rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu: Thúc đẩy vai trò của cộng đồng địa phương
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:45, 07/07/2022
Phát triển rừng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giai đoạn 2015 - 2020, cả nước đã thực hiện 140 dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển từ nhiều chương trình, nguồn vốn khác nhau. Tổng diện tích trồng rừng đạt 22.390ha, trong đó có gần 72% là rừng trồng mới. Trong Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với BĐKH và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”, Chính phủ đặt mục tiêu trồng mới 20.000ha, bao gồm 9.800ha RNM phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
Dù chỉ chiếm 1% tổng diện tích rừng của cả nước nhưng RNM đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), ngăn chặn sóng, gió, hạn chế xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển, bảo vệ sinh kế của người dân. Theo ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trong số các loại rừng, RNM có khả năng tích trữ khí CO2 tốt nhất. Chúng có thể hấp thụ lượng các-bon nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới truyền thống trên đất liền.
Để triển khai Thỏa thuận Paris về BĐKH, các quốc gia đã đề ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc phải thực hiện trong Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Phần lớn các quốc gia đã nộp mới hoặc cập nhật NDC đều nhấn mạnh và cam kết ưu tiên bảo vệ và phát triển RNM như một giải pháp chính sách, tài chính và kỹ thuật quan trọng hàng đầu của họ.
Thực hiện các cam kết ứng phó BĐKH, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Tuyên bố Glasgow về Rừng và sử dụng đất, với nhiều ưu tiên phát triển rừng hướng tới ứng phó BĐKH. Bản cập nhật NDC của Việt Nam cũng đề cập tại 3 trên 7 giải pháp giảm thiểu BĐKH có liên quan tới bảo vệ và phát triển RNM.
Thời gian tới, ngành lâm nghiệp hướng đến đẩy mạnh công tác trồng RNM; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị ĐDSH, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng, tăng năng suất của rừng để nâng cao giá trị bảo tồn ĐDSH của RNM.
Bắt đầu từ năm 2022, các địa phương sẽ tiến hành công tác báo cáo giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng BĐKH cấp quốc gia. Trong những vấn đề được giám sát, đánh giá có diện tích rừng được bảo vệ, trồng mới và phục hồi cho mục đích thích ứng BĐKH; số lượng cũng như quy mô các mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng BĐKH; các loại giống mới phù hợp; hiện trạng xây dựng các phân vùng bảo tồn ĐDSH trước BĐKH… Qua đây, vai trò của RNM sẽ càng được thể hiện rõ ràng hơn, làm cơ sở thúc đẩy các hoạt động phát triển rừng, bảo tồn ĐDSH và chuyển đổi sinh kế dưới tán rừng trong những năm tiếp theo.
Cơ hội tham gia thị trường các-bon giá trị cao
Một hướng đi về lâu dài khi bảo tồn và phát triển RNM là tham gia thị trường tín chỉ các-bon. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - chuyên gia tổ chức Cifor, các nghiên cứu quốc tế cho thấy, khả năng hấp thụ các-bon của RNM vượt trội hơn so với rừng trên cạn, gấp 4 - 10 lần tùy trữ lượng các-bon và tùy địa hình khác nhau.
Thực tế, từ sau COP26, số lượng giao dịch tín chỉ các-bon RNM đã chiếm đến 30% giao dịch các-bon quốc tế. Dù có thực hiện tất cả các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong NDC của các quốc gia thì vẫn chưa đủ để đạt được mốc giữ cho nhiệt độ Trái đất chỉ tăng 20C như Thỏa thuận Paris. Bởi vậy, việc gia tăng các bể chứa các-bon từ rừng và mua bán tín chỉ các-bon rừng là thị trường rất tiềm năng. Khách hàng chính là những quốc gia, doanh nghiệp phát thải lớn có nhu cầu cân bằng lượng phát thải đáp ứng các yêu cầu của Thỏa thuận Paris và cam kết Net Zero.
Với lợi thế về diện tích RNM và chất lượng rừng thuộc hàng tốt trên thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để gia tăng nguồn thu nhập từ thị trường các-bon liên quan đến RNM. Đơn cử, các doanh nghiệp thu mua thủy sản hiện đã nhận được những yêu cầu về chứng chỉ giảm phát thải đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Nếu nguồn thủy sản được nuôi trong các khu RNM sẽ giảm được rào cản này và thậm chí tăng sức cạnh tranh. Việc đảm bảo các yêu cầu về giảm phát thải, bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những định hướng của ngành thủy sản.
Bên cạnh đó, thế giới đã hình thành khái niệm “thị trường các-bon giá trị cao”, lấy yếu tố bảo tồn ĐDSH là cốt lõi. Điều này có nghĩa, nếu khu RNM hướng đến mục tiêu hấp thụ các-bon, đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng về bảo tồn ĐDSH, đảm bảo tác động về xã hội như tạo sinh kế cho người dân, giảm tình trạng di cư do BĐKH… thì tín chỉ các-bon từ khu rừng ấy sẽ có giá trị cao gấp hàng chục lần rừng thường. Cụ thể, giá thị trường của tín chỉ các-bon giá trị cao khoảng 67 - 167 đô la Mỹ, trong khi tín chỉ các-bon rừng thông thường chỉ từ 5 - 11 đô la Mỹ. Tại Việt Nam, giá tín chỉ rừng trong chương trình giữa Bộ NN&PTNT với Ngân hàng Thế giới là 4 đô la Mỹ.
Việc thúc đẩy vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển RNM là yếu tố kiên quyết để chúng ta tham gia thị trường các-bon giá trị cao. Và trên thực tế, đây cũng chính là định hướng của Chính phủ, của ngành lâm nghiệp trong giai đoạn tới. Vì vậy, để triển khai hiệu quả các chiến lược, chương trình trồng RNM cho mục tiêu phát triển bền vững thích ứng với BĐKH, rất cần sự chung tay của cộng đồng.